Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Thần dược” cho mùa thi!?

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa thi, các thí sinh muốn dùng thuốc bổ phải có sự chỉ định của bác sĩ (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: C.T.V
Chuẩn bị bước vào các kỳ thi, nhiều loại thuốc bổ đã được phát huy công dụng dành cho sức khỏe sĩ tử. Thị trường tân dược đang “nóng” lên vì các loại thuốc bổ tăng giá bởi nó “ăn theo” nước rút của các bài luyện thi…
Thuốc bổ nào cho con?
Khí hậu tại TP.HCM hiện không lý tưởng cho các sĩ tử “gạo” bài. Vì vậy, mua thuốc bổ cho con em tăng sức khỏe luyện thi là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh. Vitamin C được nhắc đến nhiều với mục đích tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cho nên, khi đi ra bất kỳ hiệu thuốc nào, các bậc phụ huynh sẽ được dược sĩ tư vấn nhiều loại vitamin C, từ hộp thuốc của một số công ty dược trong nước, đến các nhãn hiệu nước ngoài thường xuyên được quảng cáo trên truyền hình. Chị Phương Chi, chủ một cửa hiệu đại lý thuốc tại huyện Hóc Môn, TP.HCM gặp chúng tôi, cười tươi: “Dạo này cửa hiệu toàn bán loại thuốc bổ. Rất nhiều người mua thuốc về để con, cháu uống học luyện thi. Đã vào mùa uống thuốc bổ rồi”. Theo chị Chi, các loại thuốc bổ mà khách hàng thường mua là Vitaton, Pharmaton, Enervon C, Morelife, Pluzz, Homtamin Ginsen… Nhiều hiệu thuốc lớn tại TP.HCM hiện luôn tấp nập người mua thuốc bổ. Anh Minh, kỹ sư máy tính mua thuốc bổ mắt về cho con trai đang luyện thi tại “lò” Đại học Sư phạm TP.HCM. Anh bảo nếu có thuốc bổ mắt rồi thì thời gian ngồi lâu trước máy tính của anh sẽ bớt mệt mỏi, đồng thời con trai anh cũng “mắt sáng, chân chạy nhanh” hơn vào thời điểm áp lực bài vở rất nặng nề này.
Coi chừng “thần dược” trở chứng
Đó là lời khuyên của TS – BS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Thuốc bổ, theo quan niệm của nhiều người thì không bổ bề ngang cũng… bổ bề dọc. Theo BS Nam, điều này hoàn toàn sai lầm. Thuốc bổ, dù khi đi ra ngoài hiệu thuốc mua không cần kê toa ( trên thực tế, kể cả các loại thuốc kê toa cũng vẫn được bán tràn lan) thì vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ. BS Nam nhấn mạnh nếu uống quá nhiều vitamin A có thể dẫn đến xơ gan, uống quá nhiều vitamin C sẽ bị sạn thận và nếu uống nhiều vitamin nhóm B, cơ thể cũng thải hết qua đường nước tiểu. Bên cạnh đó, khi uống nhiều vitamin sẽ làm tăng sự chuyển hóa trong cơ thể, khiến nhiều người có cảm giác bị bứt rứt, tính tình nóng nảy hơn, khó kiềm chế những cơn giận vô cớ , đặc biệt là ở lứa tuổi teen – lứa tuổi chuẩn bị thi đại học. Các bậc phụ huynh không nên mua thuốc bổ nhiều cho con mà nên sử dụng liều nhỏ, liều thăm dò. Đã có trường hợp tiêm vitamin C mà bị sốc thuốc dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Học ôn thi không phải là một, hai ngày, mà là cả một quá trình dài, có khi 1-6 tháng, nhưng cũng có khi 1-2 năm nếu như các em không thi đậu vào trường mình yêu thích. Mua thuốc bổ cho con “tăng cường” việc học cũng tương tự, sẽ còn kéo dài vì hiện nay, nhiều người vẫn còn nghe lời hàng xóm hoặc nghe sự tư vấn của những người bán hàng để mua tân dược. Đã gọi là thuốc, thì dù có là thuốc bổ vẫn có những tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách, hoặc cơ thể phản ứng thuốc, không tiếp nhận thuốc.
Hãy chăm sóc con em bằng các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, những giấc ngủ sâu, có chất lượng. Đặc biệt về tinh thần, hãy để cho các sĩ tử hoàn toàn thoải mái để tập trung vào những kỳ thi có tính chất quyết định tương lai của chính các em. Thuốc bổ, đúng là rất cần trong từng trường hợp cụ thể, nhưng không phải là phương án tối ưu để phụ huynh dành tặng cho con em mình.
BS Nguyễn Lân Đính – Chuyên viên dinh dưỡng cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc được quảng cáo là làm “tăng trí nhớ, bổ não” của nhiều hãng dược dành cho thí sinh. Nhưng ít có phụ huynh biết được tác dụng lẫn tác hại (nếu có) của các loại thuốc này. Cho đến nay, chưa có một loại dược phẩm nào tạo ra trí nhớ, trí thông minh. Để có trí nhớ tốt, học tốt cần lưu ý phương pháp học tập , nghỉ ngơi và giữ gìn sức khỏe. Có một số thuốc hay được nhắc tới: Các thuốc được cho là bổ óc như Cervotonic, Glutaminol B6, PHO-L không tạo ra trí thông minh; Các thuốc trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, dùng để trị bệnh, không dùng hỗ trợ việc học; Tuyệt đối không dùng amphetamin (Maxiton) và các dẫn chất như ecstasy hoặc các thuốc an thần gây ngủ bị hiểu lầm là thuốc kích thích, rất có hại cho sức khỏe. Để có trí nhớ tốt, học tốt, cần lưu ý phương pháp học tập nên học ôn tập ngay từ đầu, có kế hoạch sắp xếp thời gian biểu hợp lý, tránh học dồn, học “tủ”, nước tới chân mới nhảy.
Đinh Thu Hiền

BS Nguyễn Lân Đính khuyên: “Thí sinh nên ngủ cho ra ngủ, khoảng 8h một ngày, nhiều nhất là về đêm để sáng sớm tỉnh dậy có một bộ óc “mới tinh”, có khả năng hoạt động tốt nhất. Vả lại, có ngủ được say thì trong giấc ngủ vào giai đoạn có giấc mơ, cũng là lúc các kích thích tố tăng trưởng được tiết ra giúp các em mau lớn hơn nữa”.

 

Bình luận (0)