Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Nhập viện vì… tự kéo dài chân

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ đến khi cảm thấy xương chân chùn lại, đau buốt như vỡ ra, Th. mới thông báo với gia đình để đưa đến BV khám với lý do nếu không điều trị ngay, đôi chân có thể bị khuyết tật vĩnh viễn.

Bỏ cả trăm triệu mua thiết bị kéo chân
Thời gian gần đây, nhu cầu về phẫu thuật kéo dài chân của các bạn trẻ có chiều cao khiêm tốn hoặc đôi chân không đều ngày càng tăng cao. Thậm chí, một số người còn tự tìm mua những thiết bị tự kéo dài chân mà không cần chỉ định của bác sĩ, rồi tự chuốc lấy nguy hại cho sức khỏe.
Là con gái của một chủ xưởng gỗ lớn ở Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) nhưng Th. (19 tuổi) vẫn luôn cảm thấy tự ti khi đứng trước bạn bè cùng trang lứa. Nguyên nhân chính là Th. chỉ sở hữu một chiều cao khiêm tốn (1,50m). Hè vừa rồi, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, không hiểu liên hệ ở đâu mà Th. (xin bố gần 100 triệu đồng) mua được một thiết bị được quảng cáo giúp kéo dài chân, có thể tự áp dụng để kéo dài chân ngay ở nhà.
Tự ý kéo dài chân có thể gây nguy hại tới tính mạng. (Ảnh: Zing)
Theo lời kể của Th., thiết bị này có kết cấu khá đơn giản, phía bán thiết bị cho Th. cũng hướng dẫn sử dụng rất chi tiết… Hí hửng, Th. giấu gia đình tự áp dụng liên tục trong suốt 1 tuần, Th. thấy cẳng chân không có gì thay đổi ngoài việc xương chân đau buốt. Dù vậy, với hy vọng một ngày kia sẽ có được một đôi chân dài lý tưởng, Th. vẫn kiên trì áp dụng thiết bị kéo dài chân thêm gần 7 tháng nữa.
Chỉ đến khi cảm thấy xương chân chùn lại, đau buốt như vỡ ra, Th. mới thông báo với gia đình để đưa đến BV khám với lý do nếu không điều trị ngay, đôi chân có thể bị khuyết tật vĩnh viễn.
Tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm đến Khoa Chấn thương chỉnh hình tổng hợp – BV Trung ương Quân đội 108, đơn vị duy nhất tại miền Bắc đang thực hiện thành công kỹ thuật kéo dài chân. Các bác sĩ ở đây cho biết, nhu cầu phẫu thuật kéo dài chân ở giới trẻ đang gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Riêng tại bệnh viện đến nay đã thực hiện phẫu thuật kéo dài chân cho hơn 300 bệnh nhân. TS. Đỗ Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm khoa cho biết, phẫu thuật kéo dài chân là một phương pháp phức tạp, nguy hiểm, thường được dùng cho những bệnh nhân có khuyết tật hoặc di chứng chấn thương ở chân, thế nhưng hiện nay nhu cầu kéo dài chân vì lý do thẩm mỹ chiếm chủ yếu, đặc biệt là giới trẻ.
Những người đến đăng ký phẫu thuật kéo dài chân cũng rất phong phú. Có người muốn kéo dài chân vì lý do nghề nghiệp, người muốn làm vì lý do được tương xứng chiều cao với người yêu, vì sĩ diện bạn bè… Thậm chí có không ít trường hợp có chiều cao khá khả quan song vẫn một mực muốn được kéo dài chân thêm chút nữa.
Kéo dài được tối đa 20cm
Về kỹ thuật kéo dài xương hiện nay đang áp dụng ở BV 108, các bác sĩ phải thực hiện thao tác cưa xương theo chiều ngang rồi dùng khung cố định kẹp lại, banh 2 đầu xương cưa. Sau đó dùng các biện pháp kĩ thuật để kéo dài xương. Sau 6 tháng có thể kéo dài được 18cm, tối đa được khoảng 20cm. Lứa tuổi phù hợp nhất để áp dụng phương pháp này là từ 18-30 tuổi.
GS.TS. Hoàng Văn Thuận, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết thêm, mỗi trường hợp có thể kéo dài xương chân từ 4-6cm. Thậm chí có thể kéo dài hơn, nhưng lúc đó độ an toàn không cao. Bởi khi kéo dài quá so với quy định sẽ gây mất cân đối giữa chân với phần trên của cơ thể, lúc đó trọng lượng cơ thể sẽ dồn xuống chân gây gãy xương ở những phần cưa.
Mặt khác, khi thực hiện thao tác kéo dài xương sẽ khiến cho người bệnh phải chịu nhiều đau đớn nên người bệnh phải thực sự kiên trì, tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ. Còn biến chứng thần kinh, đặc biệt rễ thần kinh ở chân sẽ không bị ảnh hưởng gì. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chú ý cần phải áp dụng một chế độ ăn hằng ngày thích hợp để bù đắp canxi phục vụ quá trình tái tạo, phát triển của xương.
Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, khi lựa chọn phương pháp này để tăng chiều cao, người dân cần phải tìm đến các bệnh viện, các trung tâm chấn thương chỉnh hình chuyên khoa, có uy tín để làm. Không được tự ý mua những thiết bị kéo dài xương để tự thực hiện bởi có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như gãy xương, liệt chi, không liền xương, thậm chí nguy hại tới tính mạng.
Theo Sức khỏe và đời sống

 

Bình luận (0)