Kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư công có tác dụng rất hạn chế vì hiệu quả đầu tư công của Việt Nam còn thấp
Chính phủ đang đề xuất Quốc hội (QH) cho phép nới trần bội chi từ mức 4,8% như kế hoạch lên 5,3% GDP. Đây là một giải pháp nhằm cứu vãn nền kinh tế nhưng lại đi ngược với chủ trương tiết kiệm và giảm dần bội chi ngân sách để tiến tới sự bền vững tài khóa mà Việt Nam phấn đấu thực hiện từ nhiều năm nay.
Tăng nguồn lực đầu tư phát triển
Theo tính toán của Chính phủ, tăng bội chi 1% GDP sẽ có thêm 40.000 tỉ đồng từ ngân sách để chi cho các mục tiêu. Những năm trước, cứ 100 đồng GDP thì có 30 đồng dành cho đầu tư nhưng từ năm 2012 đến nay chỉ có 19 đồng. Do đó cần nới trần bội chi để bảo đảm GDP năm 2014 tăng trưởng hợp lý, khoảng 5,5%.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận xét năm 2013 sản xuất, kinh doanh rất khó khăn, ảnh hưởng tới kế hoạch thu ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, năm nay có thể hụt thu ngân sách khoảng 63.000 tỉ đồng. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước ước đạt 752.370 tỉ đồng, giảm 7,8% so với dự toán.
Tăng bội chi ngân sách chỉ là giải pháp tạm thời. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Trong đó, thu ngân sách trung ương hụt khoảng 47.200 tỉ đồng, địa phương hụt khoảng 16.430 tỉ đồng. Với tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 185.000 tỉ đồng, trần bội chi được nới từ 4,8% GDP lên 5,3% sẽ tương ứng 18.500 tỉ đồng. Như vậy, nới trần bội chi lên không phải để bù hết 63.000 tỉ đồng ngân sách thiếu hụt mà chỉ bù đắp một phần để tăng đầu tư công. Nguồn lực tăng thêm này được dành cho chi đầu tư phát triển năm 2014, do đó không ảnh hưởng đến lạm phát, không phải Chính phủ in thêm tiền để làm những việc ngoài kế hoạch. Chính phủ cũng cam kết sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, không dàn trải, kéo dài gây lãng phí. Hiện nay, 60% tổng chi ngân sách dành cho chi sự nghiệp, trong đó hơn 1/2 là chi lương.
Lo ngại hiệu quả thấp
Ngay từ tháng 4 năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu, vấn đề nới trần đã được giới chuyên gia phân tích với nhiều lo ngại. Một chuyên gia kinh tế đến từ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng việc nới trần bội chi cho thấy Việt Nam đang quá chú trọng chính sách quản lý tổng cầu, từ loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại quay sang kích thích tăng trưởng trong khi đây chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư công có tác dụng rất hạn chế vì hiệu quả đầu tư công của Việt Nam thấp. Khi Chính phủ rót tiền vào đầu tư xây dựng cơ bản có thể tạo ra sức tiêu thụ hàng hóa và tạo việc làm cho ngành vật liệu xây dựng nhưng đây cũng là lĩnh vực thất thoát, lãng phí chưa thể đo đếm được. Nguồn nhận đầu tư khác từ Chính phủ là doanh nghiệp nhà nước cũng là khu vực kinh tế làm ăn hiệu quả thấp hơn so với khu vực khác.
Một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng nới trần bội chi chỉ là giải pháp tạm thời giúp nền kinh tế tạm vượt qua khó khăn trước mắt. Khi không còn “thuốc kích thích”, tình trạng yếu kém sẽ tiếp tục bộc lộ. Bài học này đã được rút ra từ gói kích cầu 1 tỉ USD năm 2009. Thay vào đó, cần giảm mạnh các khoản chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Giải pháp đi kèm với tăng bội chi là phải kiểm soát chặt chẽ số tiền bội chi, nhất là tại các công trình hạ tầng lớn. Khi nền kinh tế hấp thu được tín dụng thì phải giảm ngay bội chi, đồng thời rà soát lại toàn bộ nguồn lực nhà nước đang nắm giữ, thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không cần giữ vai trò chi phối để tạo nguồn lực mới, giảm áp lực bội chi ngân sách.
theo Người Lao Động
Bình luận (0)