Đến các viện nghiên cứu, nhà máy, trung tâm sản xuất thuộc hệ thống của Viettel, chúng tôi gặp những gương mặt trẻ măng nhưng họ đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất.
Trong đó có nhiều người đã từ bỏ những vị trí và mức lương rất cao để hội tụ về Viettel, với ước mong cùng nhau chế tạo ra những sản phẩm công nghệ thể hiện trí tuệ và khát vọng vươn lên của người Việt Nam.
Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel – nơi hội tụ nhân lực chất xám của Viettel cũng như của Quân đội. |
Nhà hiền triết và người công nhân
Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viettel R&D) là một trong những nơi nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến phục vụ cho cả mục đích dân sự và mục đích quốc phòng như hệ thống ra đa quản lý vùng trời, các máy thông tin quân sự, máy bay không người lái (UAV), rồi điện thoại thông minh, máy tính bảng…
Thượng tá Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel cho biết, hiện nay, Viện có 500 cán bộ nghiên cứu. Theo kế hoạch, đến năm 2015, Viện sẽ có 1000 cán bộ; đến năm 2018 sẽ có khoảng 2000 cán bộ. "Để tuyển được 2000 nhân viên có trình độ đại học về điện tử – viễn thông thì không hề khó, có khi chỉ cần 1 tháng là đã tràn ngập hồ sơ tuyển dụng. Nhưng để tuyển được 2000 kỹ sư, chuyên gia đủ trình độ tham gia nghiên cứu, chế tạo được các sản phẩm công nghệ cao thì quả là một công việc rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian tìm hiểu, sàng lọc. Vừa qua, với 500 ứng viên thi tuyển, mà toàn là những người tốt nghiệp loại giỏi, chúng tôi chỉ tuyển được 5 người. Chúng tôi sẽ tuyển người giỏi ở khắp toàn cầu, thậm chí đặt các trung tâm nghiên cứu ở một số nước phát triển, kể cả Mỹ, để tận dụng được chất xám" – Anh Chiến chia sẻ về công tác tuyển nhân sự cho các dự án nghiên cứu của Viettel.
Công tác tuyển chọn, sàng lọc của Viettel khắc nghiệt cũng là điều dễ hiểu bởi những dự án mà Tập đoàn đang nghiên cứu, phát triển đều là những dự án công nghệ cao, tính ứng dụng cao mà từ xưa tới nay ít người dám hình dung người Việt Nam có thể làm được. "Ra đa, máy thông tin hiện đại, máy bay không người lái, máy tính bảng, điện thoại thông minh…, những sản phẩm công nghệ cao của thế giới ấy đều đã và đang được người Viettel nghiên cứu, sản xuất trong một thời gian rất ngắn và theo cách thức rất linh hoạt, hiệu quả" – Thượng tá Nguyễn Đình Chiến chia sẻ.
Viettel đào tạo, rèn luyện và đánh giá cán bộ, nhất là những cán bộ nghiên cứu theo phương châm "thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chân lý". Ngay cổng Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, chúng tôi thấy hai bức tượng: Tượng một triết gia và tượng một anh công nhân. Hai bức tượng này thể hiện phương châm của Viettel trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ: Tư duy, ý tưởng phải được thể nghiệm ngay bằng các hoạt động, các sản phẩm cụ thể. Chính phương châm ấy khiến cho môi trường nghiên cứu khoa học ở Viettel là một môi trường hết sức nghiêm túc, rất thực tế và rất khắc nghiệt.
Đại úy Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉ huy điều khiển – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sản xuất hệ thống quản lý vùng trời cho biết: "Công ty nước ngoài đã có công nghệ và kinh nghiệm, để cho ra đời hệ thống ra đa quản lý vùng trời cần phải có 5 năm. Ấy vậy mà, ban lãnh đạo Viettel giao nhiệm vụ cho chúng tôi chỉ trong một năm rưỡi phải sản xuất bằng được sản phẩm này, trong khi Viettel mới "chân ướt chân ráo" bước vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất. Nhiều khi nghe giao nhiệm vụ mà chúng tôi toát mồ hôi, không biết phải làm thế nào để hoàn thành". Nhưng sức ép tưởng chừng phi lý ấy đều có lô-gíc của nó, đã khiến công việc được tiến hành rất khẩn trương, hiệu quả và đạt được thành công lớn.
Khát vọng dân tộc cao hơn danh vọng và tiền bạc
Quyết định đứng trong hàng ngũ của Viettel, nhiều chuyên gia người Việt Nam đã phải từ bỏ những vị trí quản lý và mức lương cao ở các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Nguyễn Lê Minh là một người như vậy. Minh là tiến sĩ trong lĩnh vực hàng không. Đang làm việc cho trung tâm hàng không của Pháp với mức lương rất cao, biết Viettel đang tuyển nhân sự cho dự án nghiên cứu, sản xuất máy bay không người lái, Minh quyết định khăn gói về với Viettel. Nguyễn Khánh Hoàn đang là Phó trưởng phòng kỹ thuật của Công ty Samsung Việt Nam, Bùi Nguyễn Nam Sơn cũng đang giữ chức vụ quản lý ở công ty điện tử Sato (Nhật Bản) cũng đã quyết định dứt bỏ để về với Trung tâm sản xuất thiết bị điện tử Viettel… Về Viettel, thậm chí họ chấp nhận giảm lương, giảm đãi ngộ, đó là bởi họ muốn đóng góp chất xám của mình cho sự phát triển của đất nước…
Đến nay, Viettel đã thu hút và tự đào tạo được cho mình 4000 chuyên gia, kỹ sư, trong đó có hơn 100 kiến trúc sư, kỹ sư trình độ cao có khả năng khai thác làm chủ công nghệ, có khả năng nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử – viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị quân sự. Để tiếp tục nâng cấp nguồn nhân lực chất xám, trong thời gian qua, Viettel đã liên tục cử 60 cán bộ đi đào tạo tại các nước có trình độ công nghệ hàng đầu thế giới để đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử – viễn thông.
Điều đặc biệt là Viettel đã chủ động xây dựng các đơn vị dự bị động viên. Trong hàng ngũ các kỹ sư, chuyên gia của tập đoàn có số lượng lớn các quân nhân, vì thế, tính sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống của Viettel là rất cao. Nguồn nhân lực chất xám của Viettel chính là nguồn chất xám vô cùng quý giá của quân đội.
Có thể thấy, với tiềm lực kinh tế, tiềm lực hạ tầng, tiềm lực công nghệ và tiềm lực con người ngày càng hùng hậu, Viettel đang dần trở thành một "phên giậu mềm", một chỗ dựa đáng tin cậy trong thế trận quốc phòng – an ninh của quốc gia.
Theo Hồ Quang Phương
Quân Đội Nhân Dân
Quân Đội Nhân Dân
Bình luận (0)