Người trồng cà phê ở Tây nguyên đang chịu cảnh thiệt kép do vườn cây mất mùa, giảm năng suất, trong khi giá cà phê lại lao dốc.
Trong tuần đầu tháng 11, mới vào giữa vụ thu hoạch mà gia đình anh Y Hiêng ở buôn Tria, xã Ea Tul, H.Cư Mgar (Đắk Lắk) đã hái hết cà phê đưa về nhà phơi khô, xát thành hạt để bảo quản. Y Hiêng cho biết mọi năm anh thu được hơn 1,5 tấn trên vườn cà phê 5 sào, nhưng năm nay mất mùa chưa đạt 1 tấn, hạt cà phê lại nhỏ hơn các năm trước. Số cà phê này anh dự tính bán một ít trang trải chi tiêu và trả công thuê thu hoạch, còn lại cất trữ chờ giá lên mới bán. “Trong buôn ai cũng lo hái sớm dù còn nhiều trái xanh; trái ít mà đợi chín đồng loạt ngoài rẫy thì không yên tâm vì lo nạn trộm cắp”, Y Hiêng bảo.
Ông Y Toàn Ajun, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tul, cho biết do thời tiết hạn hán thất thường vào đầu vụ ra hoa nên cà phê của xã giảm năng suất khoảng 20%, nay vào thu hoạch người dân còn kém vui hơn khi giá cà phê rớt xuống mức 30.000 đồng/kg. Ea Tul là một trong những xã trọng điểm cà phê của H.Cư Mgar, với diện tích 4.700 ha. “Dân Ea Tul sống nhờ vào hạt cà phê, nhưng giá rớt thảm như thế này thì năm nay may lắm nông dân chỉ đủ ăn, khó có vốn đầu tư cho vụ sau. Ai làm cà phê mà thuê mướn nhân công ở tất cả các khâu thì lỗ nặng”, ông Y Toàn nói.
Cà phê giảm năng suất không chỉ ở Đắk Lắk mà còn ở nhiều tỉnh khác. Đầu niên vụ 2013-2014 này, Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) đánh giá sản lượng cà phê cả nước giảm khoảng 15% so với vụ trước và là năm thứ hai liên liếp sản lượng giảm. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, thiệt hại do giá xuống còn lớn hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, cho biết niên vụ 2012-2013 vừa rồi, giá mua cà phê nhân xô bình quân là 39.945 đồng/kg. Hiện giá chỉ dao động khoảng 29.000 – 30.000 đồng/kg, so với niên vụ trước giảm khoảng 10.000 đồng/kg. “Niên vụ này, riêng sản lượng cà phê nhân của Đắk Lắk ước đạt 430.000 tấn, nếu giá bán giảm đi 10.000 đồng/kg thì về lý thuyết mất đi khoảng 4.300 tỉ đồng, gần gấp rưỡi số thu ngân sách hằng năm của tình này”, ông Nghiêm đánh giá.
Phải giảm giá thành
Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Đắk Lắk), cho rằng giá rớt khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm đi rõ rệt, ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu kinh doanh; còn nông dân thì gặp khó khăn thực sự. “Trong năm qua, giá thành sản xuất tăng cao do giá các loại vật tư, phân bón, nhân công đều tăng, nên với giá cà phê hiện nay tính ra người trồng cà phê nông hộ lỗ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Do vậy, nông dân phải tìm cách hạ giá thành sản xuất mới có thể vượt qua cơn bĩ cực này”, ông Thái nhận xét.
Cùng ý kiến với ông Thái, ông Nguyễn Văn Nghiêm cũng cho rằng lâu nay, giá cà phê trong nước hoàn toàn phụ thuộc giá thị trường thế giới; do đó khi giá thế giới giảm thì khó lòng nâng giá mua nội địa. Phương án tối ưu là người sản xuất phải tìm cách hạ giá thành sản xuất hợp lý để trụ vững trong bất cứ thời điểm rớt giá nào. Theo ông Nghiêm, ngoài việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cà phê theo hướng giảm đầu tư, người nông dân cần hướng đến phát triển cà phê đạt các chứng nhận quốc tế để có giá bán sản phẩm cao hơn.
Về đề xuất tạm trữ cà phê để đẩy giá lên, theo ông Nghiêm, đây là vấn đề lớn phải có chủ trương từ Chính phủ. “Kinh nghiệm vài năm gần đây cho thấy, khi giá xuống thấp, nông dân lại găm hàng, hạn chế bán ra nên không phải lo tình trạng bán cà phê ào ạt làm rớt giá thêm như những năm trước. Giờ đây, tự người nông dân đã lo “tạm trữ” trước những biến động của thị trường rồi”, ông Nghiêm nhận định.
Theo Trần Ngọc Quyền
(TN)
Bình luận (0)