Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

ĐBSCL: Mở cửa đầu tư miền Tây

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu vốn và vướng cơ chế, các doanh nghiệp TP.HCM chưa thể đầu tư đúng mức vào đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là nội dung quan trọng trong hội nghị trao đổi giữa UBND 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) diễn ra vào ngày 26-11 tại Vĩnh Long.
Tiềm năng thu hút doanh nghiệp
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy qua 12 năm hợp tác liên kết (từ năm 2001 đến 2013) các doanh nghiệp TP.HCM đã tham gia đầu tư 23 khu, cụm công nghiệp và kinh doanh thương mại du lịch tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đầu tư trên 1.000 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông… với tổng vốn đăng ký trên 260.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận xét trong nhiều năm qua, việc hợp tác giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Dù thời gian qua, các doanh nghiệp TP.HCM đầu tư vào vùng hơn 260.000 tỉ đồng là con số không lớn nhưng rất có ý nghĩa, trong đó có việc xây dựng hạ tầng thương mại cho ĐBSCL, từ đó có hệ thống phân phối hiện đại”.

Giới thiệu hàng nông nghiệp đặc sản của ĐBSCL tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Mặt khác, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng nhận định việc hợp tác kinh tế đôi bên sẽ giúp các tỉnh, thành khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế của mình. Bên cạnh đó tạo thêm cơ hội đầu tư, tăng mãi lực thị trường và nâng cao trình độ nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển. “Qua mối quan hệ hợp tác này, TP.HCM làm đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực cần đầu tư, vừa mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh. Theo đó, TP phát huy được vai trò trung tâm kinh tế đối với khu vực và cả nước” – ông Lê Hoàng Quân nói.
Liên kết còn thiếu chiều sâu
Tuy nhiên, nhìn về mặt hạn chế của hợp tác, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho rằng hạn chế như việc tổ chức điều hành các chương trình hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng, chưa mang tính liên tục. Công tác tổ chức thực hiện chưa cụ thể, thiếu chiều sâu nên hiệu quả kinh tế còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên của các địa phương.
“Số lượng dự án và vốn đầu tư của các doanh nghiệp TP.HCM tại vùng ĐBSCL còn hạn chế, tiến độ triển khai các dự án còn chậm. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, cấp phép, đăng ký kinh doanh, đặc biệt là công tác giao đất cho các nhà đầu tư của một số địa phương còn chậm, làm lỡ cơ hội đầu tư” – ông Minh cho biết thêm.
Cũng theo ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL muốn phát triển thì phải bán được hàng hóa, từ đó mới giải quyết được khâu sản xuất và mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mới dừng lại ở chủ trương, định hướng, còn những kế hoạch cụ thể qua từng thời gian, lĩnh vực cụ thể còn hạn chế. Do đó cần sơ tổng kết lại chương trình liên kết để khắc phục những mặt chưa làm được.
Trước những hạn chế trên, ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cũng đưa ra dự báo: “Cộng đồng doanh nghiệp sẽ cảm nhận và thấy được sự quyết tâm và thực hiện những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và lãnh đạo TP.HCM trong việc liên kết, hợp tác để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định và thuận lợi”.
Chiều 26-11, Ban chỉ đạo MDEC – Vĩnh Long 2013 tổ chức hội nghị tổng kết các chuỗi sự kiện và thông qua dự thảo tuyên bố chung của diễn đàn. Dựa trên kết quả hội nghị, Ban Chỉ đạo diễn đàn đã thống nhất ra tuyên bố chung, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển ĐBSCL, hướng đến nền kinh tế xanh. Góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường.
GIA TUỆ (PLO)

Bình luận (0)