Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chưa kết nối được nhà sản xuất và nhà bán lẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhu cầu tiêu thụ rau an toàn tăng mạnh trong khi khả năng cung ứng còn thấp

Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch như rau củ, thịt cá tại TP HCM rất lớn. Tuy nhiên, thực phẩm sạch tiêu thụ ở đâu, nơi nào tin tưởng được lại là vấn đề nan giải. Doanh nghiệp sản xuất ra không biết bán cho ai, nhà bán lẻ cũng không mặn mà đến loại sản phẩm này, họ chỉ cần biết mặt hàng nào tiêu thụ mạnh thì kinh doanh.
Tại hội thảo “Khả năng sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng VietGap của các hợp tác xã (HTX) và các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM”, nhiều ý kiến cho thấy do giá rau sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap có giá bán chỉ cao hơn rau thông thường từ 5%-10% nên người trồng không thể tăng diện tích được vì không hiệu quả. Họ chỉ sản xuất đủ cho các mối đặt hàng, còn phần lớn diện tích thì dành cho sản xuất rau bình thường cung cấp cho chợ. Theo Sở NN-PTNT TP HCM, các HTX sản xuất rau an toàn chưa đưa được hàng với số lượng lớn vào các kênh siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích. Kể cả bếp ăn tập thể, trường học, suất ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn cũng chưa sử dụng rau an toàn.

Sản phẩm rau sạch vẫn còn khó tiêu thụ
Còn theo báo cáo từ Sở Công Thương TP HCM, trong những năm qua TP đã nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối; hình thành, duy trì và phát triển một số vùng chuyên canh rau với quy mô lớn tại Củ Chi để cung ứng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị cung ứng rau an toàn chưa có điều kiện, cơ hội đưa hàng vào các kênh phân phối do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phương thức, điều kiện đưa hàng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Cũng theo Sở Công Thương TP HCM, kênh phân phối chủ lực của rau VietGap tại TP HCM là siêu thị, cửa hàng tiện ích, còn các kênh như chợ, bếp ăn, trường học chiếm tỉ lệ thấp. Do đó, trong thời gian tới các đơn vị sản xuất rau VietGap cần phát triển, thâm nhập vào các kênh phân phối này. Theo kết quả điều tra, khảo sát tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP HCM, lượng rau tiêu thụ khoảng 217,53 tấn/ngày, trong đó chỉ có 98,63 tấn là rau VietGap. Hiện các nhà cung ứng rau tại TP HCM chỉ mới đáp ứng được 38%, số còn lại là do các đơn vị từ các tỉnh miền Tây, miền Đông cung cấp. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng năm 2014 lượng rau VietGap tiêu thụ khoảng 137 tấn/ngày, tăng 39% so với hiện tại, đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 962 tấn/ngày (tăng 875%). Điều này cho thấy tiềm năng phát triển thị phần của các đơn vị cung ứng của TP là rất lớn .
Ngoài ra, để rau VietGap đến với người tiêu dùng, các nhà sản xuất cần đầu tư giống, cây trồng có năng suất cao, quy trình gieo trồng hiện đại, đảm bảo điều kiện đạt chuẩn VietGap để có giá thành tốt nhất và có mức giá đến tay người tiêu dùng hợp lý.
Giá heo sạch bằng giá heo thường
Theo Sở NN-PTNT TP HCM, giá bán heo chăn nuôi đạt chứng chỉ VietGap hoặc chăn nuôi theo hướng VietGap hiện nay chỉ bằng giá heo nuôi thông thường nên chưa khuyến khích được người chăn nuôi. Hiện nay sản lượng heo sạch của TP có khả năng cung cấp 11.525 tấn thịt heo/năm. Trong đó HTX Tiên Phong có 10 tấn/ngày, các trang trại và 695 hộ khác cung cấp 21,5 tấn/ngày. Thịt heo sạch này chỉ có một lượng ít được ký kết bán cho Vissan, còn lại các trang trại, hộ nông dân đều phải bán cho thương lái với giá tương đương heo nuôi theo kiểu thông thường.
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)