Hội thảo “Hành trang doanh nghiệp khi tham gia TPP,” tổ chức ngày 6/12, tại Hà Nội, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn cũng như định hướng cho doanh nghiệp khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI chia sẻ: Việt Nam đang đứng trước “biển lớn” lần nữa sau khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không còn “vẻ” háo hức, hồ hởi của những tháng ngày khi Việt Nam ra nhập WTO mà các doanh nghiệp như “chiến binh” đã qua các trận đánh lớn
Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty Cổ phần Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc – Hải Phòng. (Ảnh: Vũ sinh/TTXVN)
Vì vậy, đối với TPP, Việt Nam nhận định được thực trạng trong từng ngành để khắc phục bài học kinh nghiệm WTO khi quá hồ hởi, quá tô hồng, quá tin tưởng để phát triển nhưng khi khai thác lại làm chưa thật tốt trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.
TPP là hiệp định thương mại đa phương lớn, nên các doanh nghiệp cần có định hướng trong từng ngành cũng như chuẩn bị hành trang để tận dụng cơ hội khi tham gia TPP.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam bị “nghẽn mạch tăng trưởng” trong khi các nền kinh tế khác bắt đầu trỗi dậy. Năm 2013, Việt Nam đã từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng đã tăng 5 bậc. Tính chung 11 tháng năm 2013, xuất khẩu đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2012, khu vực FDI không tính dầu thô đạt 74,6 tỷ USD, tăng 28,5%, tăng trưởng GDP của quý 3 cũng đã đạt 5,54%…
Tuy nhiên, trong số các quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước phát triển thấp nhất nên tham gia TPP sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nếu doanh nghiệp Việt Nam không có định hướng và chuẩn bị hành trang, nguy cơ “xóa sổ” doanh nghiệp là không thể tránh khỏi.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng nêu ra những vấn đề khó khăn khi tham gia TPP như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hơn, chế tài mạnh hơn, Việt Nam không bảo vệ được sản phẩm trí tuệ thì không thể phát triển.
Vấn đề về cạnh tranh trong mua sắm công của doanh nghiệp cũng cần quan tâm khi tiêu chí thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử… sẽ được đề cập đến./.
Thu Hà (TTXVN)
Bình luận (0)