Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp các mặt hàng vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn do lượng hàng tồn kho lớn. Tuy nhiên, riêng ximăng vẫn được đánh giá là ngành hàng khả quan nhất trong nhóm này.
Với lượng tồn kho vẫn trong vòng kiểm soát, các nhà máy chỉ phải tính toán để điều chỉnh giảm bớt công suất cho phù hợp với khả năng tiêu thụ chứ không phải dừng dây chuyền sản xuất. Để điều tiết thị trường ximăng, giải pháp được cách nhà quản lý định hướng và lựa chọn là vừa kích cầu, vừa giảm cung.
Dây chuyền sản xuất của nhà máy ximăng Tuyên Quang. (Ảnh: Hoàng Hùng)
Lượng tồn kho không đáng ngại
Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho biết, trong tháng 11, sản lượng ximăng cả nước tiêu thụ khoảng 5,29 triệu tấn bằng. Mặc dù lượng ximăng tiêu thụ trong tháng 11 giảm nhẹ (1%) so với tháng 10 nhưng vẫn tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng cuối năm cũng chính là cao điểm tiêu thụ của nhóm hàng vật liệu xây dựng, trong đó có ximăng.
Nếu tính chung sản lượng tiêu thụ ximăng qua mười một tháng của năm 2013 thì cả nước đạt 55,17 triệu tấn bằng, vượt xấp xỉ 13% so với con số 48,87 triệu tấn tiêu thụ được tại thời điểm cùng kỳ của năm 2012. Như vậy, ngành ximăng cũng gần cán đích với mục tiêu đạt sản lượng tiêu thụ 56 triệu tấn ximăng trong năm 2013 này. Trong đó, riêng các đơn vị thành viên của Tổng công ty ximăng Việt Nam (Vicem) sau 11 tháng đã hoàn thành sản lượng tiêu thụ 16,6 triệu tấn, vượt 4% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện mặt hàng ximăng Việt Nam chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa với tổng số 42,720 triệu tấn, trong đó Vicem chiếm thị phần tiêu thụ khoảng 15,4 triệu tấn.
Con số ximăng dành cho xuất khẩu 11 tháng qua vào khoảng 12,45 triệu tấn. Với chỉ số này, hiện nguồn xuất ximăng của Việt Nam đã tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó Vicem chỉ xuất khẩu được 1,29 triệu tấn.
Thời điểm này, giá bán ximăng duy trì tương đối ổn định. Duy chỉ có tháng 10, giá bán ximăng tăng nhẹ từ từ 30.000-50.000 đồng/tấn so với tháng 8/2013. Nguyên nhân của việc tăng giá là do giá điện cũng như nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Đáng chú ý, lượng tồn kho ximăng cả nước trong tháng 11 giảm nhẹ, còn 2,610 triệu tấn và chủ yếu là clinker. Hầu hết các nhà máy không sản xuất dư thừa nhiều so với mức tiêu thụ. Lượng tồn kho chỉ tương đương 12-14 ngày sản xuất.
Hiện lượng tồn kho của Vicem là 1,330 triệu tấn (ximăng 0,33 triệu tấn và clinker 1 triệu tấn), chiếm 50% lượng ximăng tồn kho của cả nước. Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường vật liệu xây dựng, lượng hàng tồn kho ximăng chưa lâm vào tình trạng báo động. Tuy nhiên, việc chủ động triển khai các giải pháp điều tiết cung-cầu sẽ giúp ngành hàng này tìm được hướng đi đúng.
Rà soát lại các dự án
Trong những khó khăn chung của nhóm hàng vật liệu xây dựng, ngành ximăng vẫn là lĩnh vực khả quan nhất bởi lượng tồn kho vẫn trong vòng kiểm soát. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng hướng giải quyết của ngành ximăng vẫn “rộng cửa” hơn bởi những vật liệu khác như gạch, sứ vệ sinh hay kính đi ốp lát, lắp đặt chỉ có thể lắp đặt tại các công trình nhà ở, công sở, trường học… Trong khi đó, ximăng vẫn được tiêu thụ, sử dụng trong các công trình hạ tầng giao thông, đường sá, kênh mương thủy lợi. Vấn đề đặt ra là phải tìm cách kích cầu tiêu thụ.
Để đối phó trước nguy cơ cung vượt cầu trong khi sức tiêu thụ suy giảm, Bộ Xây dựng đã chủ trương điều chỉnh giảm nguồn cung. Theo đó, Bộ Xây dựng đã cho kiểm tra, rà soát lại các dự án ximăng có kế hoạch đưa vào vận hành trong giai đoạn 2012-2015. Trên cơ sở kết quả kiểm tra rà soát, Bộ đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có sự điều chỉnh.
Đầu tháng 4/2013, Chính phủ đã có văn bản số 485/TTg- KTN về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án ximăng theo quy hoạch; trong đó đưa ra khỏi quy hoạch 9 dự án và giãn tiến độ 7 dự án ximăng.
Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng chủ động đưa ra những kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói chung và ximăng nói riêng. Trên thực tế, sản xuất vật liệu xây dựng liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Bởi vậy, khi thị trường nhạy cảm này ngưng chệ đã tạo phản ứng dây chuyền đưa lượng hàng tồn kho vật liệu xây dựng tăng lên nhanh chóng.
Do đó, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng là yếu tố kích cầu tiêu thụ cho nhóm vật liệu xây dựng. Ngành ximăng đã có hướng lựa chọn thông qua việc đẩy mạnh chương trình phát triển đường giao thông sử dụng bêtông ximăng bởi sản phẩm này không chỉ tham gia vào việc tạo dụng sản phẩm nhà cửa mà còn tham gia vào các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Trong thời gian qua, mặc dù gặp khó khăn về tài chính nhưng Nhà nước vẫn chú trọng và tạo điều kiện cho việc đầu tư các dự án giao thông, năng lượng, cơ sở kinh tế quan trọng, chương trình xây dựng nông thôn mới…Vì vậy, lượng tiêu thụ ximăng có khá hơn so với các chủng loại vật liệu xây dựng khác.
Ngoài tiêu thụ nội địa, các đơn vị sản xuất ximăng cũng dành một lượng sản phẩm xuất khẩu đáng kể. Hiện tổng công suất các nhà máy sản xuất ximăng hiện có trên cả nước đã được khai thác vẫn đạt tỷ lệ tương đối cao, trên 85%.
Mặc dù lượng tồn kho ximăng không ở mức cảnh báo hay đáng lo ngại nhưng Bộ Xây dựng đã chủ động chỉ đạo thực hiện triển khai song song hai giải pháp là vừa kích cầu và giảm cung xi măng. Các biện pháp kích cầu tập trung vào việc tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thông qua việc tạo điều kiện về vốn và tín dụng xây dựng công trình hạ tầng cơ sở như: cầu, đường, đê, đập, các nhà máy điện…
Cùng đó, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 800 ngày 4/6/2010, ngay từ đầu năm 2013, các nội dung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cũng đã được triển khai. Do đó, việc tuyên truyền sử dụng bê tông xi măng để xây dựng đường giao thông cũng đã có tác dụng tích cực.
Hiện Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục phối hợp chỉ đạo triển khai chương trình hành động về tăng cường sử dụng ximăng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam, trong đó chú trọng các dự án thí điểm thi công mặt đường bêtông ximăng./.
Thu Hằng (TTXVN)
Bình luận (0)