Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2013 Thành phố đã chi trả bồi thường gần 212 tỷ đồng cho 11 hồ sơ nhà đất với diện tích bồi thường hơn 6.246m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tính lũy kế, đến nay, Thành phố đã chỉ trả bồi thường hơn 16.759 tỷ đồng cho 14.324/14.340 hồ sơ với diện tích bồi thường hơn 714ha/719,92 ha (đạt hơn 99% tổng diện tích, bao gồm cả diện tích giao thông, sông rạch).
Các chủ đầu tư đang triển khai công tác lập quy hoạch 1/500, tiến hành lập dự án nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới, dự án cầu đi bộ và quảng trường trung tâm, công viên bờ sông.
Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Ủy ban Nhân dân Thành phố đang mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có các dự án xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn quốc tế tại lô 3, lô 4; dự án khu dân cư phía Bắc; dự án khu lâm viên sinh thái phía Nam.
Hiện nhiều dự án đã được nhà đầu tư chấp thuận như dự án khu dân cư được giao cho Tập đoàn G.S E&C (Hàn Quốc); dự án khu nhà thấp thuộc khu dân cư phía Nam đại lộ Đông Tây; dự án khu phức hợp tháp quan sát; dự án bệnh viện, khách sạn cao cấp phía Đông…
Liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chính phủ vừa đồng ý cho phép thành phố đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong khu đô thị theo hình thức hợp đồng BT.
Trên cơ sở đó, Thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính bao gồm đại lộ Vòng Cung, đường ven hồ Trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam với tổng chiều dài bốn tuyến đường gần 12km, chiều rộng mặt cắt ngang từ 11,6-55 m, vốn đầu tư ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2016.
Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm nằm trong bán đảo Thủ Thiêm có diện tích 657ha bao gồm các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh thuộc quận 2; đối diện với trung tâm thành phố hiện hữu bởi sông Sài Gòn.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ là khu đô thị mới hiện đại, trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ của Thành phố trong thế kỷ 21; không chỉ mở rộng địa bàn Thành phố mà còn tạo thế phát triển bền vững cho khu vực phía Đông sông Sài Gòn gắn liền với vùng Đông Nam Bộ./.
Trần Xuân Tình
(TTXVN)
Bình luận (0)