Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến nay ước tổng thu ngân sách Nhà nước 2013 đạt khoảng 99% dự toán.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2014 ngày 30-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong năm 2014, Bộ Tài chính cần quyết liệt tập trung thu thuế, thu ngân sách đạt kế hoạch ngay từ đầu năm, thu đúng theo quy định, xử lý nghiêm, ngăn chặn trốn lậu thuế. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi, kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, lãng phí. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Giá thị trường thì càng phải minh bạch
Về quản lý giá cả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ngay từ tết Nguyên đán phải đảm bảo cung cầu, kiểm soát giá tốt. Phải kiên định giá thị trường đối với tất cả hàng hóa dịch vụ theo một lộ trình phù hợp kết hợp thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng người nghèo, vùng sâu vùng xa. Giá cả theo thị trường nhưng phải công khai, minh bạch việc hình thành giá. “Giá điện kiên quyết tính đúng, tính đủ, kiên quyết không bán dưới giá thành nhưng các yếu tố hình thành giá phải công khai, minh bạch, không bù lỗ; thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa. Giá dịch vụ y tế, giáo dục, nước,… phải theo lộ trình nhưng trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có hỗ trợ với các đối tượng chính sách, hộ nghèo,…” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ngay từ tết Nguyên đán phải đảm bảo cung cầu, kiểm soát giá tốt. Ảnh: HTD
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải quản lý chặt chẽ 20 mặt hàng mà Nhà nước còn quản lý giá. Đặc biệt là sữa và thuốc chữa bệnh, không được buông lỏng. Nhà nước phải quản lý công khai, minh bạch theo đúng luật, tạo thuận lợi cho DN nhưng bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Các sếp đừng mơ đổi xe công
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2014 nền kinh tế trong nước dự báo có chuyển biến tích cực hơn, với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 5,8%, tốc độ lạm phát khoảng 7%. Tuy nhiên, sản xuất – kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; áp lực điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công sát với giá thị trường ngày càng lớn. Ngoài ra, trong năm tới vẫn tiếp tục thực hiện miễn thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN sẽ tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cũng cho hay thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỉ đồng so với dự toán năm 2013. Do vậy, NSNN trong năm tới đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Tài chính, để có tỉ lệ bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP thì dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công khoảng 59,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4% GDP. Các chỉ số nợ mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn nhưng cũng tạo nên sức ép khá lớn trong việc bố trí và cân đối nguồn trả nợ.
Về các giải pháp tiết kiệm chi trong năm 2014, Bộ Tài chính cho biết đối với chi thường xuyên, sẽ không bố trí kinh phí mua xe công. Ngoài ra, bố trí dự toán chi cho các nhiệm vụ tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, đi công tác trong và ngoài nước,… tối đa không quá 70% mức dự toán năm 2013. Đáng lưu ý, từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng biên chế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 11, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra được gần 55.000 DN với tổng số thuế tăng thu gần 12.000 tỉ đồng. Ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 1.200 DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá; tổng số thuế truy thu, phạt và truy hoàn gần 500 tỉ đồng, giảm lỗ gần 1.700 tỉ đồng. Tổng số nợ thuế của toàn ngành thuế tính đến thời điểm ngày 30-11 là hơn 62.000 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với thời điểm 31-12-2012.
Ngoài ra, ngành thuế cũng đã chuyển 32 hồ sơ DN có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an; trong đó đã khởi tố các cá nhân liên quan ở 17 DN, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm.
|
TRÀ PHƯƠNG (PLO)
Bình luận (0)