Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tìm hướng đi cho xuất khẩu gạo trong năm 2014

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo trong năm 2013 đạt 6,68 triệu tấn, đạt kim ngạch gần 2,9 tỷ USD, giảm hơn 1 triệu tấn so với năm 2012.

Tuy nhiên, tổng số gạo thực tế của Việt Nam được bán ra nước ngoài đạt 8,2 triệu tấn, đó là nhờ thông qua xuất khẩu tiểu ngạch (thương mại biên giới). Để tìm hướng đi cho ngành gạo Việt Nam được khởi sắc hơn trong năm 2014 là vấn đề chung của cả các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp và cả nông dân sản xuất lúa gạo.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết sở dĩ gạo Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường thế giới là do nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống ở Đông Nam Á trong 6 tháng cuối năm chững lại, Indonesia không nhập khẩu, Philippines và Malaysia giảm mạnh.

Hơn nữa, lượng gạo của thế giới tồn kho quá lớn, điển hình Thái Lan còn tồn kho gạo của năm 2013 khoảng 5 triệu tấn, đồng thời lượng gạo tồn kho của Ấn Độ còn nhiều hơn Thái Lan.

Trong khi thị trường nhập khẩu Châu Á giảm mạnh, thì Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường thương mại biên giới, nhưng thị trường này vẫn không bù đắp được mức giảm, dù gạo được bán đi nhưng không thu ngoại tệ nhiều như con đường xuất khẩu chính ngạch.

Trong lúc lượng gạo thế giới đang còn tồn kho lớn, giá lại giảm sâu thì các doanh nghiệp Việt Nam thu mua tạm trữ lúa gạo của nông dân với giá cao để đảm bảo nông dân có thu lãi 30%. Chính từ giá thu mua này đã làm cho giá xuất khẩu của Việt Nam bán ra cao, khó cạnh tranh với gạo Thái Lan và Ấn Độ.

Theo dự báo của các chuyên gia, ngành xuất khẩu gạo vẫn còn gặp khó khăn trong năm 2014 với nhiều lí do khác nhau. Trong đó, phải kể đến gạo cấp thấp của Việt Nam không thể cạnh tranh với gạo cấp thấp của Ấn Độ về giá, và gạo cấp cao của Việt Nam khó vượt qua gạo cấp cao của Thái Lan về chất lượng. Vì vậy, để hạt gạo Việt Nam có thể vươn ra thế giới suôn sẻ như trước đây, thì chính ngành gạo cũng phải cần nhiều thay đổi.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn lương thực Thịnh Phát, Bến Tre cho rằng, ngoài xuất khẩu chính ngạch, thì con đường thương mại qua biên giới sẽ giúp Việt Nam tiêu thụ hết lượng gạo do người dân sản xuất.

Mặt khác, với xuất khẩu chính ngạch, nhà nước phải mất hai công đoạn thu thuế và hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo và những người mua gạo làm nguyên liệu chế biến thực phẩm phải thực hiện kiểu thuế chồng thuế (5% đầu vào và 10% cho đầu ra).

Vì vậy, nhà nước cần có chính sách nghiên cứu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện xuất khẩu tiểu ngạch trong trường hợp lúa gạo còn tồn kho khi giá thị trường thế giới xuống quá thấp, làm cho doanh nghiệp khó bán gạo.

Đồng tình với ý kiến này của ông Lê Anh Tuấn, ông Trương Thanh Phong bày tỏ, dù trên thực tế, thương mại qua biên giới sẽ gây khó khăn việc lưu thông hạt gạo, dễ xảy ra gian lận thương mại, rủi ro trong thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế, quyết toán xuất khẩu,… nhưng trong tình huống cả thế giới dư thừa lúa gạo, làm cho gạo Việt Nam khó bán ra thì vẫn phải áp dụng hình thức thương mại này để đảm bảo tiêu thụ hết gạo trong dân.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu gạo và chú trọng vào chất lượng hạt gạo trong năm 2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với các viện, trường tuyển chọn lại giống lúa Jasmine 85 làm giống lúa chính thức phục vụ cho xuất khẩu gạo cấp cao năm 2014, vì những giống lúa khác không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của những nhà nhập khẩu. Nếu gạo Việt Nam được bán ra với giá rẻ mà chất lượng không đảm bảo thì cũng khó giữ được thị trường.

Cũng trong năm này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề xuất với các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền với người dân, giảm sản xuất loại gạo cấp thấp (IR 50404), chỉ khoảng 5% tổng diện tích, so với những năm trước là từ 10%-15% tổng diện tích.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương hạn chế tối đa giống lúa cấp thấp, đặc biệt là trong vụ hè thu, chỉ xuống giống 5% diện tích quy hoạch, vì giá thành sản xuất khá cao, mà chất lượng hạt lúa tương đối thấp nên cần chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây bắp, đậu nành, mè,… để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến khích doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa, sản xuất theo chuỗi liên kết giúp giá trị hạt gạo tăng lên. Tuy nhiên, trong chuỗi này, các nông dân hợp tác lại là một mắc xích yếu nhất.

“Nhiều năm trước đây, thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu gạo cấp thấp, nhưng với tình hình thế giới hiện nay, nếu chỉ sản xuất gạo cấp thấp thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới và yêu cầu của một vài thị trường mới như Mỹ La tinh, Châu Âu… Vì vậy, để gạo Việt Nam được các nước chấp nhận, một mặt làm lương thực, một mặt làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm, thì ngành gạo cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hạt gạo.” – bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.

Bộ Công Thương đang thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận với nhiều thị trường mới, mở đường cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Qua quá trình tiếp cận, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đã thử từng mẫu gạo đúng như chất lượng họ cần trước khi ký hợp đồng thu mua, đây là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được theo yêu cầu của thị trường.

Bộ Công thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp chủ động xây dựng vùng nguyên liệu để khi cần ký hợp đồng, doanh nghiệp có đủ số lượng gạo đạt chất lượng theo yêu cầu của đối tác./.

Hồng Nhung

(TTXVN)

Bình luận (0)