Xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương có nhiều hộ dân nuôi cá lăng đuôi đỏ nhất ở tỉnh Đắk Lắk.
Đây là loài cá không những có giá trị cao về mặt kinh tế, giúp người nông dân thoát nghèo mà còn góp phần tạo nên thương hiệu đặc sản riêng của vùng.
Ông Nguyễn Văn Chi, chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi cá lăng thôn 5 xã Hòa Phú cho biết toàn xã có trên 50 hộ nuôi cá lăng đuôi đỏ trong ao, riêng thôn 5 có đến 16 hộ nuôi tập trung với quy mô 8ha. Nhờ nuôi cá lăng, nhiều hộ dân ở đây thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Vụ cá lăng Tết năm nay, gia đình anh Trần Văn Kiếm thôn 5, tổ hợp tác nuôi cá lăng, xã Hòa Phú có 1.000 cá lăng đuôi đỏ bán ra thị trường.
Anh Kiếm cho biết với giá bán bình quân 270.000-300.000/kg, trừ chi phí, Tết này gia đình anh thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.
Gia đình anh Hoàng Quốc Bài đã xuất bán được hơn 2 tạ cá lăng cho dịp Tết năm nay. Theo anh Bài, đây là thời điểm cá lăng được giá nhất.
So với các loài cá khác, nuôi cá lăng giá trị kinh tế cao hơn nhiều, thường vụ cá lăng Tết không đủ cung cấp cho thị trường.
Không chỉ nuôi cá lăng thịt cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, gia đình anh Bài còn có hơn 1.000 con cá giống là nguồn cung ứng cá giống cho các địa phương như Đắk Nông, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai…
Để chủ động phát triển nghề nuôi cá lăng trong ao nuôi, ngành nông nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột, Tổ hợp tác chăn nuôi cá lăng xã Hòa Phú đã có kế hoạch hỗ trợ người dân về vốn, con giống để phát triển mở rộng chăn nuôi vừa tận dụng môi trường tự nhiên ao, hồ vừa góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cá lăng là loài cá nước ngọt sống ở sông Sêrêpôk, những chỗ nước sâu, chảy xiết, lắm thác ghềnh.
Trong những năm qua, người dân xã Hòa Phú đã có sáng kiến đưa cá lăng từ tự nhiên vào ao, các hồ nước tĩnh để nuôi.
Tuy nhiên, trong những năm qua, cá lăng đuôi đỏ đang có nguy cơ mất dần trên dòng sông Sêrêpôk do sự khai thác tràn lan của con người./.
Phạm Văn Cường
(TTXVN)
Bình luận (0)