Với nhiều hàng rào kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đề ra ngày càng cao, ngành cá tra Việt Nam đang chủ động hướng tới sản xuất bền vững
Nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Đây là sản phẩm độc quyền của Việt Nam khi chiếm đến 97% thị phần xuất khẩu toàn thế giới.
“Vươn vai” ngoạn mục
Các doanh nghiệp (DN) thủy sản có sản phẩm cá tra xuất khẩu lần đầu tiên vào năm 1997 với 465 tấn, thu về 1,65 triệu USD. 14 năm sau, đến năm 2011, Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn sản phẩm cá tra, tăng 2.581 lần, thu về hơn 1,8 tỉ USD. TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học, Công nghệ và Quản lý TP HCM (HASCON), ví von: “Ngành cá tra non trẻ đã vươn lên thần kỳ. Năm 1997, giá trị xuất khẩu gạo gấp 540 lần xuất khẩu cá tra (891,34 triệu USD/1,65 triệu USD), nhưng đến năm 2011 giá trị xuất khẩu gạo chỉ gấp 1,94 lần so với giá trị xuất khẩu cá tra. Số liệu này cho thấy nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra mang lại rất nhiều ngoại tệ. Ngoài ra, ngành cá tra có lợi thế là sử dụng rất ít diện tích đất và lao động, trong khi sản xuất lúa chiếm tới 60% tổng lực lượng lao động của Việt Nam”.
Thu hoạch cá tra tại ĐBSCL Ảnh: THANH VÂN
Về thị trường, từ năm 1997-2002, cá tra chỉ xuất khẩu sang Mỹ, được người Mỹ ưa chuộng vì ngon và giá rẻ. Tuy nhiên, đến năm 2001, các DN thủy sản “gặp hạn” khi Hiệp hội Cá da trơn Mỹ khởi kiện, cho rằng Việt Nam xâm phạm thương hiệu “catfish” của họ. Tuy người Mỹ thắng kiện nhưng sản phẩm cá tra Việt Nam lại càng bán chạy ở Mỹ. Năm 2001, người Mỹ tiêu thụ 1.735 tấn cá tra thì sang năm 2002 đã tăng lên 28.000 tấn. Đến năm 2013, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 133 nước. Lớn nhất là EU (chiếm 21,5%), Mỹ (20%), ASEAN (7,1%), Mexico, Trung Quốc, Hồng Kông, Brazil, Colombia…
Nghề nuôi cá tra cũng đem lại lợi nhuận “khủng” cho nhiều nông dân. Nhiều người trở thành tỉ phú chỉ sau một vài năm đeo đuổi ngành nuôi trồng này. Theo các chuyên gia nghiên cứu về cá tra, vào năm 2010, với năng suất bình quân 294 tấn/ha, giá bán 18.314 đồng/kg, doanh thu trên 1 ha đạt gần 5,4 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, người nuôi có mức lãi bình quân 569 triệu đồng/ha.
Hướng tới sản xuất bền vững
Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, ngành cá tra Việt Nam đứng trước nguy cơ khủng hoảng thừa. Những người đi đầu trong phong trào nuôi cá tra hơn 10 năm trước dọc hai bờ sông Tiền và sông Hậu ở ĐBSCL hiện đã bỏ nghề vì thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, phân tích: “Việc chế biến, chất lượng cá tra hiện nay rất tốt nhưng cái gốc của vấn đề là sản lượng dư thừa, dẫn đến bán tháo, bán rẻ làm mất giá trị con cá da trơn. Song song đó là DN, nông dân thiếu vốn sản xuất nên bị ngân hàng “ép”. Thậm chí khi người nuôi bị DN xù tiền mua cá, họ cũng không dám lên tiếng vì sợ ngân hàng biết sẽ không cho vay tiếp”. Ông Kịch còn lưu ý rằng ngành cá tra nói riêng và nghề cá Việt Nam nói chung nếu không chủ động thì khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, thuế suất bằng 0 thì nhiều loại cá tràn vào Việt Nam, cũng như các nước tham gia TPP thì lúc ấy giá cá sẽ rẻ bèo.
TS Trương Thị Minh Sâm, thành viên Hội đồng Khoa học quản lý HASCON, cho rằng các nước nhập khẩu cá tra đang dựng lên hàng rào kỹ thuật ngày một cao. Đây cũng là cơ hội để ngành cá da trơn Việt Nam tự hoàn chỉnh mình. Mới đây, thông tin 10% sản lượng cá tra của Việt Nam đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC – tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan) là tín hiệu đáng mừng để ngành cá tra đeo đuổi mục tiêu này. Tại thị trường Đức, cá tra phi lê đông lạnh đạt chứng nhận ASC có giá 12 euro/kg, trong khi giá cá tra không có chứng nhận ASC là 4,38 euro/kg. “Hiện Thụy Điển đang xem xét đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách xanh”. Điều đó giúp cá tra Việt Nam có cơ hội đi vào thị trường thế giới và khẳng định giá trị bền vững” – TS Sâm cho biết.
Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
Theo Tổng cục Thủy sản, EU đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững” tại ĐBSCL trong thời gian 4 năm, bắt đầu từ tháng 4-2013. Dự án sẽ thiết lập mô hình trang trại mẫu và trung tâm đào tạo; nâng cao nhận thức cho khách hàng tiềm năng; xây dựng năng lực cho các chuyên gia trong nước theo luật pháp quốc tế liên quan đến thị trường thủy sản nói chung và cá tra nói riêng… Mục tiêu của dự án là có ít nhất 50% DN sẽ cung cấp sản phẩm đạt chuẩn bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn ASC của thị trường châu Âu và các thị trường khác.
Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có 25 DN cá tra đạt chứng nhận ASC cho trại nuôi, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… Trong đó một số DN có 2 trại nuôi được chứng nhận như Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang, Công ty CP Gò Đàng…
Theo NLĐ
Bình luận (0)