Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại phiên họp sáng nay 21-2.
Thẩm tra sơ bộ dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, dự thảo luật giao Bộ Giao thông Vận tải quy định giá đối với giá dịch vụ cất cách, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không khác (khoản 4 Điều 11).
Qua thảo luận, một số ý kiến trong Thường trực ủy ban tán thành với dự thảo luật giao Bộ Giao thông Vận tải quy định giá đối với một số dịch vụ hàng không là phù hợp về thẩm quyền.
Hành khách lên máy bay của Hãng Hàng không Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Cao thăng
Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng, với chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc quyết định đối với một số giá các loại dịch vụ này, do đó cần quy định Bộ Giao thông Vận tải quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Có ý kiến đề nghị cân nhắc lại quy định thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá tại khoản 6 Điều 11, bởi lẽ, theo quy định của Luật Giá thì thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức hiệp thương giá thuộc Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính.
Về vấn đề này, các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng nay yêu cầu bám sát Luật Giá vừa được Quốc hội ban hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý: “Quy định như dự thảo luật về việc Nhà nước quản lý giá là hơi rộng so với Luật Giá. Công tác bình ổn giá, định giá chỉ duy trì trong một số lĩnh vực còn độc quyền để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ mà thôi, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu”.
Về vấn đề an ninh hàng không, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc quy định: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trường hợp miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không”. “Việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay cần được thực hiện theo những nguyên tắc an ninh rất nghiêm ngặt, đối với mọi người và hành lý và hàng hóa trong chuyến bay, nguyên tắc này được thực hiện trên cơ sở mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nếu từ quy định miễn trừ nêu trên xảy ra sai sót sẽ dẫn đến hậu quả bất lợi lớn cho tính mạng và tài sản của nhiều người khác“, ông Phan Trung Lý giải thích.
Cũng liên quan đến đảm bảo an ninh hàng không, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Công tác đảm bảo an toàn bay Nhà nước phải nắm”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm rằng, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không trên từng chuyến bay buộc phải là công chức nhà nước, nhưng ở phần lớn các nước, lực lượng an ninh ở các cảng hàng không có thể do các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện đảm nhiệm.
Nhận xét rằng dự luật đã được chuẩn bị khá công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới, song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng gợi ý: “Cơ quan soạn thảo, thẩm tra nên quan tâm đến việc quản lý bay theo nguyên tắc phân tầng. Châu Âu áp dụng quy định này đã tăng được hiệu suất bay 40-50%”. Hoan nghênh nội dung mới được bổ sung trong dự thảo về quản lý máy bay không người lái và máy bay siêu nhẹ, nhưng ông Dũng vẫn băn khoăn: “Vừa rồi việc các bác nông dân chế tạo máy bay, loanh quanh xin mãi để cho bay thử nghiệm không được. Luật nên có thêm một số quy định để xử lý vấn đề này”.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét, tuy chưa nghiêm trọng, nhưng vừa qua công tác bảo đảm an ninh hàng không cũng có một số vấn đề đáng lưu tâm, cả trong hành trình bay (như sự cố rớt bánh máy bay) lẫn ở cảng hàng không (không phát hiện ma túy khối lượng lớn)…, do đó nội dung này cần được rà soát và bổ sung kỹ lưỡng, tránh những trường hợp tương tự. Đặc biệt, “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hơn 20% so với luật 2006, nhưng những nội dung nhằm bảo đảm quyền lợi khách hàng gần như vẫn vậy, trong khi những lời phàn nàn vẫn còn nhiều”, bà Trương Thị Mai nói.
ANH PHƯƠNG
(SGGP)
Bình luận (0)