Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) từ hôm nay (25-8), các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2. Thí sinh nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. Hằng ngày, các trường cập nhật thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển (ÐKXT) của thí sinh vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 và công bố công khai trên Website của trường.
Thông tin về hồ sơ ÐKXT của thí sinh bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; số báo danh; đối tượng; khu vực; điểm thi từng môn và tổng điểm ba môn thi; số thứ tự hồ sơ; mã ngành ÐKXT; ngày nhận hồ sơ ÐKXT; ngày trả hồ sơ ÐKXT. Thí sinh được rút hồ sơ ÐKXT đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ của mỗi đợt đăng ký xét tuyển được quy định trong lịch công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 đến ngày 15-9, công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy báo trúng tuyển cho các sở GD và ÐT trước 20-9.
PV
Năm 2015 hoàn thành mạng lưới thông tin nghiên cứu và phát triển quốc gia
Cục trưởng Cục Thông tin KH – CN quốc gia (Bộ KH – CN) cho biết, đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao năng lực, tiềm lực thông tin KH – CN quốc gia, tạo cơ chế chia sẻ thông tin giữa các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học.
Theo đó, các Sở KH-CN sẽ xây dựng thư viện điện tử riêng cho mình. Thư viện này được thể hiện bằng tiếng Việt để dễ chia sẻ. Các thư viện này sẽ được kết nối với nhau thông qua mạng lưới thông tin nghiên cứu và phát triển quốc gia. Ðây sẽ là kho lưu trữ thông tin KH – CN chung của cả nước mà khi truy cập vào đó có thể thấy được bức tranh chung của KH – CN toàn quốc, ai đang nghiên cứu gì, kết quả ra sao… Ðiều này sẽ giúp các nhà khoa học chủ động nắm thông tin để biết định hướng nghiên cứu, chấm dứt tình trạng trùng lặp đề tài nghiên cứu… Bên cạnh đó, nếu địa phương nào muốn mời chuyên gia hàng đầu vào Hội đồng khoa học thì có thể mời mà không cần chuyên gia đến tận nơi vì thông qua mạng trực tuyến.
Hà Nội lập bốn đoàn kiểm tracông tác phòng bệnh tay, chân, miệng tại trường học
UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng trên địa bàn, trong đó tập trung vào các trường học khi mùa tựu trường đã đến. Liên ngành y tế và giáo dục của Thủ đô thành lập bốn đoàn kiểm tra công tác phòng dịch tại các trường học và đặc biệt chú ý đến 837 trường mầm non. Ðến nay, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều có cán bộ y tế và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cũng như lồng ghép nội dung phòng, chống dịch tay, chân, miệng. Các biện pháp phòng, chống dịch trước và trong mùa khai giảng cũng đang được hai ngành phối hợp chặt chẽ tuyên truyền đến học sinh, các trường học. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội phát hiện khoảng 120 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, chủ yếu là trẻ dưới năm tuổi. Cao điểm của bệnh thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11.
TP Hồ Chí Minh mổ thành công một ca sinh tư
Ngày 24-8, Bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh (TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện thành công ca mổ sinh cho phụ sản sinh tư. Bốn cháu bé sinh ra gồm một trai, ba gái nặng từ 1,1 kg đến 1,8 kg. Sản phụ là chị L.T.V.T, 21 tuổi ngụ tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) mang thai được bảy tháng rưỡi. Ðây là trường hợp phụ sản được điều trị vô sinh bằng phương pháp phóng noãn vào buồng trứng. Khi thai được ba tháng tuổi, chị T đi siêu âm cho phát hiện mang thai ba và đến khi thai sáu tháng tuổi kết quả siêu âm cho thai tư.
Theo các bác sĩ, các ca sinh tư rất hiếm gặp. Các trường hợp này nếu sinh thông thường có thể gây vỡ tử cung sản phụ, hoặc các bé ra sau sẽ bị ngạt thở, hay chấn thương các bộ phận trên cơ thể vì vậy bệnh viện đã quyết định cho chị T mổ sinh. Hiện cả sản phụ và bốn bé ổn định sức khỏe. Các bé được nuôi trong lồng kính và được truyền dịch do chưa biết bú mẹ, một bé đã tự thở được và ba bé được thở bằng ô-xy.
Theo nhandan
Bình luận (0)