Tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các giải pháp tập trung hỗ trợ sản xuất, đất sản xuất, vốn vay cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn thuộc huyện nghèo Đam Rông (huyện nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ) và 29 xã, 81 thôn nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong hai năm 2014-2015, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Đam Rông còn 6,6%, ở 29 xã nghèo xuống dưới 5,4%, trong mục tiêu chung tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là dưới 1,8%.
Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay phát triển nuôi bò hiệu quả. (Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)
Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ở mức 4,13% với 12.200 hộ nghèo, trong đó huyện Đam Rông còn 14,82% và 29 xã nghèo còn 12,06% số hộ nghèo.
Năm năm qua, thực hiện theo Nghị quyết 30a tại huyện Đam Rông cùng việc mở rộng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ra các xã, thôn nghèo trên toàn tỉnh, các huyện, xã, thôn nghèo đã được hỗ trợ hơn 583 tỷ đồng từ các nguồn vốn của trung ương, địa phương và doanh nghiệp để đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Tại huyện Đam Rông, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất 15,7 tỷ đồng, huyện đã đầu tư cho trên 4.000 lượt hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi mới cho hộ nghèo.
Gần 1.000 hộ được đầu tư trồng 1.100ha rừng. Tại các xã và thôn nghèo, hơn 4.500 hộ được giao khoán bảo vệ rừng, trồng mới 1.200ha rừng, cao su, trên 24.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ phân bón, vật tư, máy nông nghiệp, vật nuôi, chuồng trại.
Từ nguồn vốn 181,7 tỷ đồng đầu tư phát triển của Chính phủ, trên địa bàn huyện Đam Rông đã có 15 công trình giao thông, sáu công trình thủy lợi, một trung tâm dạy nghề, hai trạm ươm cây giống được xây dựng.
Cũng từ nguồn tài trợ 112,3 tỷ đồng của các doanh nghiệp, huyện đã có thêm 22 trường học, sáu trạm y tế, một ngôi chợ , hai nhà văn hóa và ba dự án nhà ở để sắp xếp cho đồng bào di cư tự do từ phía Bắc vào.
Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ hiệu quả việc đi lại, sản xuất, học tập, khám chữa bệnh của nhân dân; hạ tầng nông thôn của một huyện vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét.
Theo Sở Lao động và Thương binh, Xã hội Lâm Đồng, tỉnh sẽ đẩy mạnh dạy nghề phi nông nghiệp, giới thiệu đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho lao động, thanh niên các vùng nghèo, ít đất sản xuất tại các huyện, xã nghèo.
Tỉnh ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh, của huyện từ Quỹ quốc gia về việc làm, giảm nghèo để cho vay phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm phi nông nghiệp hoặc chăn nuôi; gắn đăng ký thoát nghèo, cận nghèo với hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn với hướng dẫn cách làm ăn, phong trào giúp hộ nghèo làm ăn của các đoàn thể./.
Hoàng Liên Sơn
(TTXVN)
Bình luận (0)