Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Năm 2014: Cổ phần hóa Tập đoàn dệt may, Tổng Công ty Hàng không

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 2-4, tại Hà Nội, Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương đã tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khối doanh nghiệp trung ương đến năm 2015”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ đến dự.

Theo Báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương tại Hội nghị, khối này có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng, trong giai đoạn 2011 – 2015 có 28 đơn vị thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay toàn bộ 28 đơn vị đều đã hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 24 đề án đã được phê duyệt.

Theo đề án, tất cả 24 đơn vị được tổ chức theo mô hình công ty mẹ – công ty con; trong đó có 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ; 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hóa. Đến nay có 3 công ty mẹ đã tiến hành cổ phần hóa là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam. Các công ty mẹ sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 gồm: Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không. Năm 2015, cổ phần hóa 4 tổng công ty còn lại là: Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng.

Tổng số doanh nghiệp cần thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước theo đề án là 642 doanh nghiệp, số đã thực hiện xong là 167 doanh nghiệp với số vốn đã thoái, thu về ngân sách là 7,8 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến 2015 còn phải tiếp tục thoái vốn tại 472 doanh nghiệp.

Năm 2013 ngành dệt may đạt 20,023 tỷ USD giá trị xuất khẩu Ảnh: Cao Thăng

Qua quá trình cổ phần hóa, một số hạn chế cũng đã nổi lên. Tiến độ tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa, sắp xếp lại DN còn chậm, kết quả rất hạn chế. Nguyên nhân khách quan là do hầu hết các đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt (năm 2013 có 18 đề án, năm 2012 có 5 đề án, năm 2011 có 1 đề án). Các cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ. Đồng thời trong 3 năm qua thị trường chứng khoán suy giảm sâu, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, không thuận lợi cho cổ phần hóa, thoái vốn. Nguyên nhân chủ quan là các đơn vị chưa thực hiện quyết liệt, chưa có động lực và thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện tái cơ cấu.

Công tác quản trị doanh nghiệp đổi mới còn chậm, tại một số tập đoàn, tổng công ty, năng lực quản trị chưa tương xứng với qui mô, vị trí của đơn vị. Hiệu quả hoạt động của các DN trong khối chưa cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) giảm 0,58% trong trong 3 năm.

Công tác sắp xếp lại lao động còn nhiều vướng mắc, một số DN như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT có số lao động dôi dư cần sắp xếp hàng nghìn người nhưng chưa giải quyết được nên đang ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả của DN.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, một số đề nghị được nêu ra với các cấp có thẩm quyền. Trong đó có việc xem xét, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, bổ sung các quy định riêng điều chỉnh quản lý và hoạt động của các DNNN; xem xét sửa đổi Điều 120 Luật Doanh nghiệp (vì theo quy định của điều này thì khi sắp xếp sáp nhập các đơn vị thành viên đã cổ phần hóa của các TCT nhà nước thì cổ đông nhà nước không được quyền biểu quyết; việc sáp nhập phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các cổ đông thiểu số).

Về phía Chính phủ, các bộ ngành, đề nghị ban hành các cơ chế chính sách và hướng dẫn làm cơ sở cho việc triển khai tái cơ cấu. Đơn cử như cần có quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nghị định về quản lý người giữ chức danh quản lý tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và DN mà nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ. Các doanh nghiệp cũng mong muốn văn bản pháp lý hướng dẫn cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp của công ty nhà nước đã CPH (hiện mới chỉ có hướng dẫn cho công ty TNHH MTV 100% vốn NN theo Nghị định 59/20111/NĐ-CP ngày 18/7/2011) sớm được ban hành.

Về thoái vốn đối với các khoản vốn đầu tư chéo giữa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đề nghị cho phép các đơn vị này được mua lại, chuyển nhượng số vốn đang góp theo giá trị sổ sách hoặc tự thỏa thuận, chứ không phải đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán, nhằm rút ngắn thời gian thoái vốn. Đối với một số khoản đầu tư nước ngoài, đề nghị được thoái vốn cho đơn vị chịu trách nhiệm chính của các dự án này, hoặc đơn vị do Chính phủ chỉ định.

Đồng thời, đề nghị đổi mới cơ chế giám sát, kiểm tra đối với DNNN; nghiên cứu thành lập 1 cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước, là đầu mối thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư NN vào DN; ban hành qui định làm rõ hoạt động vì mục tiêu công ích và mục tiêu lợi nhuận của DNNN. Hiện nay, việc hạch toán chung hoạt động giữa 2 mục tiêu này gây méo mó thị trường, méo mó kết quả hoạt động kinh doanh của DN, dễ nảy sinh tiêu cực và kìm hãm sự phát triển…

ANH PHƯƠNG (SGGP)

Bình luận (0)