Nhiều em nhỏ tắm trên kênh Tàu Hủ dọc đại lộ Đông Tây (ảnh chụp lúc 13h30 ngày 25-5) |
Dưới cái nắng nóng gay gắt đang diễn ra tại TP.HCM, trẻ em tìm cách để giải nhiệt bằng nhiều hình thức khác nhau. Và nỗi ám ảnh trẻ em chết do tắm sông, ao hồ có dịp đến hẹn lại lên. Đáng lo ngại hơn, thực trạng trên không chỉ xảy ra ở nội ô mà các vùng ven thành phố, số lượng trẻ em chết do tắm sông, ao, hồ ngày càng có nguy cơ tăng cao.
Theo thống kê của Bộ Y tế, chết đuối là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, con số này tăng cao khi mùa hè đã đến gần. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay cộng với việc đã bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều em nhỏ thuộc các quận vùng ven thành phố giải quyết nắng nóng bằng cách thả mình xuống các con kênh rạch, ao hồ tự phát mà không hề chú ý đến những nguy hiểm đang rình rập.
Bất chấp nguy hiểm
Sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch ở các quận 6, quận 7, quận 8… nơi đại lộ Đông Tây đi qua là những nơi có nhiều em nhỏ thích đùa với tử thần.
Kênh Tàu Hủ dọc theo đại lộ Đông – Tây (quận 6) cứ vào tầm 2 giờ chiều, các em nhỏ lại tụ tập ra đây để tắm. Nước sông đen kịt nhưng các em thỏa thích ngụp lặn mà không sợ bị chết đuối hay nhiễm các bệnh về da. Chú Sáu, người dân ở khu vực này cho biết: “Lũ nhỏ nó tắm ở đây hoài chứ gì, chiều nào cũng tụm năm, tụm bảy lại tắm mà chẳng thấy ai la rầy gì hết”.
Tại cầu Phước Lộc, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, cứ vào tầm 1-2 giờ trưa, một nhóm các em nhỏ lại tụ tập ở đây rồi nhảy xuống cầu để tắm. Đa phần các em đều thuộc lứa tuổi cấp 2, có em còn ở độ tuổi học sinh cấp 1. Chị Thúy – chủ một quán cà phê gần cầu Phước Lộc cho biết “Trưa nào cũng có một đám tụi nhỏ ra đây nhảy từ trên cầu xuống, thấy mà ghê. Tụi nó đều biết bơi hết cả nhưng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra”, nói rồi chị lắc đầu.
Còn tại cầu Bùi Hữu Nghĩa (thuộc phường Đa Kao, quận 1), vào các buổi chiều thỉnh thoảng các em nhỏ và người lớn sống ở hai bên chân cầu lại hồ hởi lên cầu để thả diều và tắm mát. Điều đáng nói là dòng kênh Nhiêu Lộc dưới chân cầu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nhưng vẫn có người nhảy xuống để… vẫy vùng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực hồ đá – hay còn gọi là hồ tử thần (thuộc xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), có biển cảnh báo hồ sâu nguy hiểm cấm vào và đã có hàng rào bằng kẽm bao kín nhưng nhiều bạn trẻ xé rào để vào đây tụ tập thả diều, câu cá, tắm bất chấp tính mạng của mình.
Đến người lớn còn không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì trẻ con càng khó để có thể tránh khỏi nếu không đề phòng, chỉ một chút sơ sẩy là coi như xong. Những tai nạn chết người do tắm ao, hồ, kênh, rạch là điều khó tránh khỏi, và thậm chí nhiều em nhỏ lẫn các bậc phụ huynh đều biết nhưng ít ai quan tâm đến vấn đề này.
Cách đây chưa lâu (chiều ngày 3-5), bốn em nhỏ đã bị chết đuối tại một hồ tự phát trên đường Tây Lân (quận Bình Tân), hẳn chúng ta không thể quên được cái chết bất ngờ của các em nhỏ tại xóm nghèo này. Sự ra đi đột ngột của các em chính là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta. Hãy quan tâm đến trẻ em nhiều hơn.
Gia đình, xã hội đừng dửng dưng
Việc trẻ nhỏ hay người lớn tắm sông, hồ có thể giải quyết cái nóng nhất thời nhưng cũng kèm theo đó là những mối nguy khác đáng lưu tâm.
Thời tiết ngày hè nóng nực, oi bức lại không phải đến trường nên nhiều em đã trốn nhà rủ nhau đi tắm. Trẻ con nghịch ngợm lại thích thể hiện mình, không biết suy nghĩ kỹ càng nên trong lúc vui đùa các em đã không lường hết được những tình huống xấu có thể xảy ra. Nước kênh, rạch, ao hồ tại TP.HCM phần lớn đều không được sạch, thậm chí một số nơi còn rất ô nhiễm khiến các em đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh từ những dòng chảy bẩn.
Nguy hiểm hơn khi tắm kênh, rạch, ao, hồ các em không hề có phao cứu sinh, không có người lớn đi kèm nên rất dễ sa chân vào chỗ nước sâu rồi có thể bị chết đuối. Đáng lo hơn, khi nhảy từ trên cao xuống, các em dễ bị sặc nước, có nguy cơ bị chấn thương lồng ngực, vọp bẻ, bị cừ tràm đóng cọc neo đậu tàu thuyền lâu nay chìm ẩn dưới bùn sình nay bất ngờ trồi lên theo lực đẩy của áp lực nước, đâm xuyên… Hơn nữa, đa số các em đều đi thành từng tốp, nên rất dễ xảy ra va chạm, hay những lời thách thức nhau giữa các em cũng có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Nói về vấn đề này, bà Phan Thị Mỹ Dung – Phó chủ tịch UB MTTQ xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè thừa nhận: “Đoàn thanh niên xã cũng tổ chức tuyên truyền cho các em về việc nguy hiểm khi tắm sông, kênh, rạch trong các buổi sinh hoạt hè. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với PC 15 phát áo phao cho các em trong các xóm khi đến trường. Tuy nhiên, xã cũng chỉ có thể tuyên truyền chứ không thể quản lý hết tất cả các em, mà chủ yếu là từng gia đình”.
Bài, ảnh: Lê Thị Bích Chi
Bình luận (0)