Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cơ hội lớn cho ngành dệt may

Tạp Chí Giáo Dục

Đứng trước cơ hội rất lớn từ lợi thế xuất khẩu (XK) khi tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương quan trọng, cùng xu thế dịch chuyển của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam sẽ là một trung tâm sản xuất hàng dệt may của thế giới.

Gỡ bỏ “nút thắt”

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), để đạt kim ngạch XK dệt may hơn 20 tỷ USD trong năm 2013, ngành dệt may Việt Nam đã sử dụng 7,4 tỷ m² vải, trong đó chỉ khoảng 1,4 tỷ m² vải trong nước sản xuất, còn lại phải nhập khẩu đến 6 tỷ m² vải. Sản lượng vải sản xuất trong nước còn thấp, chưa kể đến chất lượng không đáp ứng được nhu cầu XK.

Hàng dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn khi được hưởng ưu đãi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU.

Dệt, nhuộm và hoàn tất là những điểm yếu nhất trong chuỗi sản xuất dệt may của Việt Nam, đó là “nút thắt” mà ngành dệt may phải phá bỏ để có thể tận dụng tốt ưu đãi thuế suất 0% khi tham gia vào các hiệp định thương mại quan trọng như TPP, FTA Việt Nam – EU, Liên minh thuế quan Việt Nam – Nga, Belarus, Kazakhstan… mà Việt Nam đang đàm phán, sẽ áp dụng trong khoảng 1, 2 năm tới.

Hiện nay, mức thuế suất hàng dệt may XK vào Mỹ ở mức 12% – 32,5%, tính mức trung bình khoảng 17,5%; thuế suất trung bình tại EU cũng khoảng 9,6%. Khi các hiệp định thương mại trên được ký kết, thực hiện, thuế suất dệt may vào Mỹ, EU sẽ giảm xuống 0%. Cơ hội gia tăng XK và nâng cao thị phần XK vào đây là điều thấy rõ.

Thế nhưng, để được 0%, Mỹ đưa ra yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” (sợi được sản xuất tại Việt Nam hoặc trong các nước TPP), trong khi đó, hầu hết trong TPP chưa có nước nào có ngành sợi phát triển, buộc phải đầu tư, làm tại Việt Nam. EU đưa ra điều kiện có vẻ nhẹ hơn nhưng cũng phải đáp ứng điều kiện hàm lượng, giá trị sản phẩm làm tại Việt Nam… Tóm lại, các điều kiện này đều phải liên quan đến khâu sản xuất vải.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), kiêm Phó Tổng Thư ký VITAS, cho biết, theo tính toán của VITAS, nếu chỉ tính mức tăng trưởng khoảng 15% – 17% của dệt may XK từ năm 2007 đến nay, thì đến năm 2025, quy mô về nhu cầu nguyên liệu và kim ngạch XK dệt may sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Và để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước, toàn ngành cần có 12 triệu cọc sợi, 12 tỷ m² vải và 5 triệu lao động, với kim ngạch XK khoảng 40 tỷ USD.

Thực tế, nhiều khả năng chỉ cần đến năm 2020, dệt may sẽ thực hiện được những con số đưa ra. Và nếu tính thêm tăng trưởng 2%/năm của tiêu thụ dệt may thế giới thì nguồn cung nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam rất lớn.

Thu hút nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, dù đang là nhà cung ứng đứng vị trí quan trọng vào Mỹ, EU nhưng thị phần XK dệt may Việt Nam vào đây vẫn còn rất khiêm tốn. Mỹ – thị trường có tổng tiêu thụ hàng dệt may trong năm 2013 ở khoảng 105 tỷ USD, nhưng dệt may Việt Nam XK vào đây chỉ chiếm 8% – 9% thị phần. Đối với EU, thị trường có mức tiêu thụ cao gấp đôi Mỹ, với 260 tỷ USD mỗi năm nhưng XK dệt may vào EU chỉ mới được khoảng 3% thị phần tiêu thụ ở đây. Chính vì vậy, Việt Nam có lý do đặt kỳ vọng để thị phần dệt may tăng cao hơn.

Với dân số 90 triệu dân, 60% trong đó ở độ tuổi lao động, đây thực sự là nguồn lực quan trọng cho phát triển của ngành may. Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đánh giá, không chỉ riêng ngành dệt may Việt Nam mà hầu hết các chuyên gia kinh tế thế giới đều nhận định Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất cung ứng hàng dệt may của thế giới, sản xuất dệt may sẽ đổ về Việt Nam trong thời gian tới. Bởi lẽ, thị trường cung ứng hàng dệt may toàn cầu đang có sự điều chỉnh mới.

Trung Quốc – nơi chiếm hơn 50% sản lượng cung ứng hàng dệt may cho toàn cầu đang giảm dần thị phần XK, hiện chỉ còn giữ khoảng 40% do đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất tăng cao và thiếu hụt lao động. Trong khi đó, các nước XK dệt may khác như Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Myanmar có nhiều rủi ro; Thái Lan không có chủ trương phát triển sản xuất mà họ đi vào phân khúc cao hơn, như bán lẻ thời trang…

Để hưởng được ưu đãi thuế XK buộc các nhà nhập khẩu, nhà tham gia chuỗi cung ứng nước ngoài phải đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, nhà đầu tư FDI đã nhìn thấy được xu thế này và đã nhanh chân đầu tư vào thị trường Việt Nam, các dự án đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm đang được đẩy mạnh. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, một vài địa phương tại Việt Nam đang xem xét cấp phép xây dựng các khu công nghiệp tích hợp chuỗi cung ứng dệt may với quy mô lên đến hàng ngàn héc ta.

MỸ HẠNH (SGGP)

Bình luận (0)