Sáng15-4, tại An Giang, lần đầu tiên nhiều nông dân chân lấm tay bùn ở các tỉnh thành ĐBSCL sẽ chính thức cầm trên tay cổ phiếu (CP) giá ưu đãi của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) để tham gia làm chủ một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là bước đột phá để nâng cao vị thế nông dân, hướng tới nền sản xuất lúa gạo bền vững, dựa trên sự liên kết chặt giữa nông dân và doanh nghiệp.
Nông dân háo hức
Cầm trên tay 1.500 CP ưu đãi mệnh giá 30.000 đồng/CP của AGPPS, ông Trương Văn Bốn, ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) lâng lâng, khoe: “Nông dân nòi ở nông thôn như tui vậy mà cũng có ngày trở thành thành viên của một công ty lớn, chuyện khó tin nhưng đã thành sự thật. Mấy ngày qua cả nhà tui rất vui, vì từ nay được đồng hành cùng công ty trong suốt quá trình sản xuất lúa; không còn lo chuyện tới mùa rớt giá hay bị thương lái làm khó…”.
Ở Vĩnh Bình, ông Bốn cũng như nhiều nông hộ khác quanh năm sống nhờ cây lúa. Vậy mà lần này ông Bốn dám bỏ ra 45 triệu đồng để mua CP, một việc hoàn toàn xa lạ đối với nông dân, nhất là trong thời buổi giá CP ảm đạm. “Thú thật, sống với nghề ruộng nên cứ thiếu trước hụt sau bởi giá lúa bấp bênh. Vì vậy khi đầu tư số tiền lớn để mua “tờ giấy” gọi là CP làm tui suy nghĩ nát nước nhiều đêm, bởi xưa nay cứ sáng ra đồng – tối về nhà chứ làm gì biết mặt CP tròn méo ra sao? Song vấn đề ở chỗ là tui có niềm tin với AGPPS từ mô hình “cánh đồng liên kết” mà công ty đã triển khai thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực cho dân. Chính vì thế nông dân mong muốn gắn bó lâu dài với công ty” – ông Bốn tâm sự.
Cán bộ AGPPS ra tận ruộng phát hành CP ưu đãi cho nông dân.
Cùng suy nghĩ trên, ông Lê Văn Nhựt, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn (An Giang) bộc bạch: “Từ khi cánh đồng liên kết của AGPPS ra đời đã mang đến luồng gió mới trong sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững. Chuyện sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm… được xóa bỏ để thay thế bằng nền sản xuất quy mô lớn có sự liên kết chặt giữa nông dân và doanh nghiệp. Cái hay của mô hình này là giải được bài toán “trồng giống gì, bán ở đâu, ai mua?”, nhờ đó nông dân an tâm sản xuất. Điển hình như vụ đông xuân năm 2014 này nhiều nơi lúa rớt giá, nông dân gặp khó. Thế nhưng, mô hình cánh đồng liên kết vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân từ 30-35 triệu đồng/ha trở lên. Do đó, khi nghe AGPPS triển khai bán CP giá ưu đãi cho nông dân, gia đình tui mạnh dạn bỏ ra 300 triệu đồng để mua 10.000 CP”.
Nông dân Nguyễn Văn Hùng, ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho rằng, khi AGPPS thông báo bán CP cho nông dân làm ai nấy háo hức. “Làm nông nghiệp bây giờ không thể tự ý như trước được mà phải theo dõi chặt thị trường. Vấn đề này nông dân đơn lẻ không làm được, mà cần liên kết với doanh nghiệp. Và AGPPS là doanh nghiệp đi đầu trong việc chăm lo, chia sẻ lợi nhuận cùng nông dân từ những việc làm cụ thể, hiệu quả” – ông Hùng nói.
Hướng đi đầy triển vọng
Theo AGPPS, lần này công ty phát hành hơn 1,8 triệu CP ưu đãi cho 1.724 nông dân ĐBSCL từng đồng hành cùng công ty những năm qua. Giá mỗi CP 30.000 đồng, tương đương 1/2 giá thị trường của AGPPS hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGPPS, cho biết: “Nhiều năm qua chúng tôi luôn trăn trở cho nền sản xuất lúa gạo bền vững và luôn muốn nâng giá trị, tăng sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Chính vì thế những năm qua, AGPPS đầu tư chuỗi giá trị lúa gạo thông qua chương trình cánh đồng liên kết, cùng nông dân ra đồng… xây 5 nhà máy gạo ở ĐBSCL; thực hiện 12.000 điểm trình diễn với 1.017 kỹ sư trực tiếp xuống đồng ruộng hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học… qua đó giúp bà con tăng thu nhập trên cùng diện tích. Đối với chương trình phát hành CP giá ưu đãi lần này, vừa nhằm phân phối lại lợi nhuận vừa nâng cao vị thế mới cho nông dân khi tham gia làm chủ một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Cũng từ đây, nông dân có quyền định đoạt giá bán sản phẩm do mình làm ra, một việc làm mà lâu nay không hề có”.
GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, đánh giá cao cách làm của AGPPS, bởi khi nông dân trở thành cổ đông của công ty thì khi thu hoạch lúa, nông dân sẽ bán cho công ty mình, không phải qua nhiều tầng thương lái và bị ép giá như trước. Ngoài ra, nông dân còn được hưởng nhiều ưu đãi về hỗ trợ vật tư đầu vào, giống, kỹ thuật…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, đã một thời gian dài chúng ta cứ loay hoay nhưng vẫn chưa tìm lối ra căn cơ cho lúa gạo, trong khi chiến lược phát triển nông nghiệp vẫn lúng túng, bị động, thiếu tính bền vững. Với mô hình của AGPPS đã tạo sự đồng thuận cao từ nhiều phía, bởi đây là doanh nghiệp có năng lực, có thực lực, có trách nhiệm, có tầm nhìn xa và đặc biệt là hướng về nông dân. Có thể nói, đây là mô hình tiên tiến, giải quyết những cái khó cho nông dân và ngành nông nghiệp, để hướng tới sản xuất lúa gạo hiện đại theo xu thế thị trường.
Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu ngành chức năng thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng làm như AGPPS thì mô hình cánh đồng liên kết sẽ thành công và nhanh chóng được nhân rộng. Khi đó việc sản xuất lúa gạo sẽ được quản lý chặt, năng suất và chất lượng được nâng lên, giá thành giảm xuống. Hạt gạo làm ra sẽ đồng nhất một giống, chứ không trộn lẫn hàng chục giống như bây giờ. Như thế, giá trị hạt gạo Việt Nam sẽ nâng cao, dễ dàng xây dựng thương hiệu gạo để tăng sức cạnh tranh với thế giới…
"Lần đầu tiên nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL được làm chủ sản phẩm mình làm ra thông qua mô hình mới là tham gia CP của doanh nghiệp lớn. Đây là bước đột phá, là hướng đi đầy triển vọng trong sản xuất lúa gạo bền vững. Chương trình phát hành CP giá ưu đãi sẽ mở ra cho nông dân hướng làm ăn lớn, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Vấn đề này là mơ ước nhiều năm, bây giờ mới thực hiện được".
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân
HUỲNH LỢI (SGGP)
Bình luận (0)