HS một trường TCCN học thực hành về chuyên ngành điều dưỡng |
Những năm gần đây, không ít trường TCCN, TC nghề, CĐ nghề (hệ thống giáo dục nghề nghiệp) khó tuyển sinh, thậm chí là phải “đóng cửa” trước thềm năm học mới. Nhiều trường dù đã tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ vẫn khó thu hút học sinh (HS). Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Đầu tháng này, Hiệu trưởng Trường TC Nghề Hoàn Cầu đã xác nhận gửi đơn lên Sở LĐ-TB&XH xin giải thể trường vì hai năm nay trường rất khó tuyển sinh. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ 2011 trở về trước, chúng tôi vẫn tuyển được HS nhưng sau đó thì trường rất khó tuyển. Đến thời điểm này trường không có HS nào nên buộc phải gửi đơn lên Sở LĐ-TB&XH xin giải thể. Đây là trường tư nên kinh phí không được Nhà nước rót về, nhà trường chỉ có thể đầu tư các cơ sở vật chất cơ bản, chủ yếu là máy móc phục vụ công nghệ thông tin còn thiết bị hiện đại thì chưa đạt. Cơ quan quản lý là Sở LĐ-TB&XH đã tìm mọi phương án giúp đỡ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng không thể duy trì hoạt động. Hiện chúng tôi đang được Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn để làm thủ tục giải thể”.
Không chỉ trường nghề, ngay cả các trường TCCN được đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cũng khó tuyển sinh, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. “Trường chúng tôi là trường công lập nên mỗi năm được đầu tư từ 2-3 tỷ để mua sắm trang thiết bị dạy học. Ngoài ra, chúng tôi là một trong 4 trường thuộc hệ thống giáo dục chuyên nghiệp được chọn làm thí điểm chương trình hợp tác SP (hợp tác với Singapore) nên được Nhà nước đầu tư 22 tỷ đồng phát triển ngành công nghệ thông tin đa phương tiện và cơ điện tử. Những năm trước chúng tôi đều tuyển đủ chỉ tiêu nhưng 3 năm gần đây chúng tôi vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, năm học vừa qua chúng tôi chỉ tuyển được 60%”, ông Võ Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cho hay.
Cũng là một trường công lập nhưng những năm gần đây Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Hóc Môn chỉ tuyển được 30-40% chỉ tiêu. Ông Trần Văn Năng, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Dù được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường cũng chú trọng nâng cao đội ngũ và đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp nhưng hiện chúng tôi vẫn khó tuyển sinh. Chỉ tiêu năm nay của trường chúng tôi là hơn 1.000 HS nhưng chúng tôi chỉ tuyển được khoảng 300 HS”.
Theo đại diện của các trường TC nghề và TCCN trên địa bàn TP.HCM, việc các trường TC khó tuyển sinh trong 3 năm trở lại đây ngoài việc khó liên thông theo quy định mới của Bộ GD-ĐT thì việc mở rộng mạng lưới trường học cũng là vấn đề khiến họ gặp khó khăn trong công tác này.
Ông Võ Thanh Liêm phân tích: “Trước đây, khu vực Q.7 chỉ có một trường TC thì nay mọc lên 3-4 trường. Hơn nữa, trường CĐ, ĐH công lập cũng mở ra quá đông nên việc tuyển sinh gặp khó khăn là điều dễ hiểu. Hơn nữa, hiện nay một số trường CĐ, ĐH vẫn còn đào tạo hệ TC nên nhiều phụ huynh sẽ cho con vào học TC ở hệ này để được “khoác cái áo” của ĐH. Trong khi đó, tâm lý phụ huynh hiện vẫn muốn con vào học phổ thông và các bậc cao hơn bởi ngoài tâm lý “trọng thầy khinh thợ” vẫn còn thì hiện mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ cao hơn bậc TC, nhiều nhà tuyển dụng vẫn còn chuộng bằng cấp…”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Văn Năng cho rằng: “Các trường TCCN tuyển sinh 2 đối tượng là THPT và đa số là THCS. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con không có đủ năng lực vẫn ép vào học trường THPT khiến tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học vẫn còn nhiều. Một số khác cho vào TCCN chỉ là biện pháp tạm thời để có giấy chứng nhận tránh nghĩa vụ quân sự. Chỉ có một bộ phận nhỏ là thích học nghề nên mới có động cơ học tốt. Tuy nhiên, việc khó tuyển sinh thì các trường TC không nên đổ thừa cho ai mà phải tự tạo học hiệu cho mình bằng cách tăng cường cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo và tư vấn hướng nghiệp…”. Ngoài ra, Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Hóc Môn khó tuyển sinh theo ông Năng cũng vì trường nằm ở huyện ngoại thành, đa số phụ huynh đều muốn con học ở các quận huyện nội thành…
Để các trường TCCN tồn tại, ngoài bản thân các trường phải tự nỗ lực, ông Võ Thanh Liêm kiến nghị: “Hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai và thực hiện chưa quyết liệt, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn. Những HS có trình độ cao thì được học tiếp lên CĐ, ĐH còn HS có trình độ thấp nên phân luồng hẳn cho các em học TC nghề, CĐ nghề, TCCN. Chẳng hạn, khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, những em khá giỏi nên xét tuyển vào ĐH, CĐ còn những em trung bình hoặc dưới mức trung bình thì nên phân luồng thẳng vào TC”…
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)