Trong những năm qua, tình trạng chuyển giá trong các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết đã được các cơ quan chức năng cũng như truyền thông cảnh báo nhiều lần. Tuy nhiên, việc chống chuyển giá đang là vấn đề hết sức khó khăn đối với cơ quan quản lý.
Lời thật, lỗ giả
Trong những năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Bên cạnh những yếu tố tích cực, vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua là tình trạng một số doanh nghiệp FDI thực hiện việc chuyển giá nhằm trốn thuế, gây thất thu ngân sách và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Chỉ tính riêng tại TPHCM, trong năm 2013, Cục Thuế TPHCM đã thanh tra, kiểm tra 661 doanh nghiệp FDI, truy thu và phạt 461 tỷ đồng, truy hoàn và giảm khấu trừ 68 tỷ đồng, giảm lỗ 786 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng 33 DN, truy thu và phạt 77 tỷ đồng, truy hoàn và giảm khấu trừ 20 tỷ đồng, giảm lỗ 537 tỷ đồng.
Để hạn chế tình trạng chuyển giá, Nhà nước cần kết hợp nhiều giải pháp thích hợp. (Trong ảnh: Doanh nghiệp, cá nhân làm hồ sơ thuế tại Cục Thuế TPHCM).
Theo TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, chuyển giá trên nguyên tắc là định giá chuyển giao. Trước hết, đó là nghiệp vụ thông thường của kế toán khi tính giá thành, định giá sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia lợi dụng việc này để lách thuế ở các quốc gia mà họ đầu tư. Như vậy, dù có tiếp cận góc độ thế nào đi chăng nữa thì hoạt động chuyển giá vẫn ngấm ngầm diễn ra trong nền kinh tế.
Thời gian qua, để xử lý vấn đề chuyển giá, cơ quan chức năng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra nhưng việc chống chuyển giá vẫn còn nhiều khó khăn.
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu về vấn đề chuyển giá, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo phân tích: Thứ nhất, nước ta đang phát triển nên cần rất nhiều vốn đầu tư. Vì vậy, khi nhà đầu tư mang vốn đến, chúng ta tiếp cận và luôn đưa ra những cơ chế ưu đãi, đặc biệt có sự cạnh tranh giữa các địa phương trong cùng một quốc gia. Nên trong quá trình mời chào nếu đưa ra những ràng buộc, kiểm soát thì “hơi kỳ”. Nói chung, chúng ta vẫn nặng về vấn đề thu hút đầu tư hơn là kiểm soát việc tuân thủ thuế của nhà đầu tư. Thứ hai, chuyển giá là vấn đề nhạy cảm. Chúng ta biết có vấn đề chuyển giá, nghi ngờ có chuyển giá nhưng không chứng minh được nên kết luận người ta chuyển giá là phạm tội vu khống. Thứ ba là vấn đề con người. Trong các DN liên doanh FDI, có nhiều người Việt Nam làm việc, thậm chí có người làm công tác điều hành, quản lý, nhà lãnh đạo được doanh nghiệp FDI trả lương cao nên nhiều lúc cũng nhắm mắt làm ngơ không dám lên tiếng. Trong khi đó, để có được bằng chứng, chúng ta phải nắm vững hoạt động của DN, cách thức chuyển giá, số liệu… thông qua những con người nằm trong liên doanh, nhưng đôi khi vì quyền lợi cá nhân, lợi ích kinh tế họ không nêu ra. Ngoài ra, do luật pháp chưa chặt chẽ, trình độ làm luật chưa có tầm nhìn dài hạn và thay đổi liên tục, hiệu lực của một chính sách thay đổi làm ảnh hưởng đến DN mà đôi khi sự thay đổi đó tạo ra hệ lụy cho việc chuyển giá.
Về tác động của hiện tượng chuyển giá đối với nền kinh tế, có chuyên gia cho rằng, hậu quả trước mắt chúng ta có thể thấy được đó là chuyển giá sẽ làm thất thu thuế, dẫn đến thất thu ngân sách. Ngoài ra, còn làm môi trường kinh doanh xấu đi do hành vi chuyển giá này hoặc làm người tiêu dùng bị thiệt hại khi giá cả sản phẩm được tính toán trên cơ sở không rõ ràng, khoa học, hợp lý, sản phẩm đến tay người tiêu dùng với mức giá đắt hơn. Chuyển giá cũng là một trong những công cụ rất lợi hại khi đưa ra vấn đề cạnh tranh giữa các DN. Chẳng hạn, có nhiều DN lớn, thương hiệu mạnh có thể dùng định giá chuyển giao để tạo ra sản phẩm với giá thành thấp hoặc tạo ra những chiến lược “lời thật, lỗ giả” để ép các DN yếu hơn, đặc biệt là những DN nội địa thuần túy.
Xây dựng cơ chế chống chuyển giá
Trước những hệ lụy của việc chuyển giá để lại cho xã hội, theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, Nhà nước cần triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này. Một lãnh đạo của Cục Thuế TPHCM cho rằng, để kiểm soát chuyển giá, đầu tiên phải có sự phối hợp giữa các ban, ngành để cùng quản lý DN khi họ đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Phải có cơ sở pháp lý về tất cả dữ liệu liên quan đến hoạt động của DN để có cơ sở đánh giá và so sánh khi cần. Ngoài ra, cơ quan thuế phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Từ tăng cường thanh tra, kiểm tra để khảo sát các dữ liệu, đấu tranh giá chuyển nhượng nhằm chấn chỉnh cho DN chấp hành tốt hơn nghĩa vụ thuế đối với nước sở tại. Mặt khác, ngành thuế phải tập trung các lớp tập huấn về kỹ năng thanh, kiểm tra; cũng như thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng và theo các chuyên đề để nâng cao trình độ cán bộ, công chức thuế.
Để việc hạn chế và chống chuyển giá mang lại hiệu quả, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống luật pháp về thuế. Bên cạnh những ưu đãi về đầu tư cần phải có những ràng buộc để kiểm soát vấn đề chuyển giá. Việc chống chuyển giá phải được thực hiện một cách quyết tâm thông qua hành động cụ thể. Chẳng hạn, không nhất thiết dựa trên sổ sách chứng từ kế toán, mà có những mô hình về học thuật, có những cách tiếp cận khác từ góc độ của người thứ ba để phát hiện ra DN có chuyển giá hay không. Ngoài ra, cần ứng dụng thêm các kết quả nghiên cứu, kết quả về điều tra chuyển giá vào công tác điều hành của các cơ quan thuế; xây dựng cơ chế chống chuyển giá để áp dụng chung cho các DN.
ĐÌNH LÝ (SGGP)
Bình luận (0)