Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Có một người thầy bước ra từ người lính

Tạp Chí Giáo Dục

Chất “lính”

Ông Đặng Văn Phong

Năm 1971, cậu học trò Đặng Văn Phong 17 tuổi hăng hái xung phong vào chiến trường (phải cộng thêm hai viên gạch giấu trong người mới được 42kg để nhập ngũ). Những ngày ấy, anh như cậu em út của đơn vị bởi ít tuổi nhất nhưng lại rất nhanh nhẹn, hiền lành và chăm chỉ nên được đồng đội và thủ trưởng yêu quý. Anh làm liên lạc đại đội rồi tới tiểu đoàn… Và Đặng Văn Phong, từ một cậu lính chỉ biết khóc khi phải một mình vào rừng hái rau cho đơn vị đã trở thành một pháo thủ tài năng và dũng cảm của Lữ đoàn 273, anh có mặt trong những giờ phút ác liệt từ giải phóng Buôn Mê Thuột tới 11h30 ngày 30-4 lịch sử tại Sài Gòn. Năm 1983, anh phục viên với quân hàm đại úy và thi đỗ vào ĐH Tài chính. Thế nhưng, chất lính đã ăn sâu trong con người anh tới mức công việc và những bon chen đời thường đã không thể níu kéo anh được. Cũng như những cựu binh khác, mỗi lần nhắc tới bạn bè đồng đội, anh thấy tim mình như mắc nghẹn và như mắc một món nợ lớn bởi những ngày tháng ấy là tuổi trẻ của họ, quá hào hùng, quá trong sáng, thủy chung và ân tình. Vì thế, nhiều năm qua anh vẫn mải miết đi tìm đồng đội. Tới nay, anh đã có trong tay danh sách của khoảng 350 liệt sĩ và hơn 400 cựu chiến binh Lữ đoàn 273 Tăng thiết giáp. Có lần, anh cùng đồng đội rong ruổi qua vài nghĩa trang với ý định đi tìm mộ liệt sĩ Lê Văn Vỹ quê ở Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sáng hôm đó, khi dừng lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Nai, trong khi mọi người tủa ra đi tìm mộ, thì cậu bé con là cháu gọi liệt sĩ bằng ông nội ngay từ khi bước vào nghĩa trang đã đi thẳng tới một ngôi mộ và ngồi chơi tha thẩn, nhổ cỏ ở đó. Mọi người tìm khắp nghĩa trang không thấy mộ liệt sĩ Vỹ, định ra chỗ cậu bé rồi về, thì ra ngôi mộ nơi cậu bé ngồi chơi chính là ngôi mộ của liệt sĩ Vỹ. Một lần khác, anh Phong vào Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên – Tây Ninh tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Toán quê ở Kinh Môn, Hải Dương. Tìm tới lúc nhá nhem tối, tưởng như bó tay thì anh lầm rầm khấn: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Toán ở đâu thì chỉ cho mình, nếu không chẳng biết khi mô mình mới có dịp quay lại nữa”, thì ngay lúc đó mắt anh chạm vào bia mộ của bạn… Tháng 6 năm 2010, tình cờ vào bệnh viện khám bệnh thì bác sĩ giữ anh lại để phẫu thuật động mạch vành. Thế nhưng, đúng dịp đó, anh đã hẹn đưa người nhà liệt sĩ Bế Văn Phát quê ở Tràng Định – Lạng Sơn vào Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM. Vậy là anh vẫn quyết đi mang đồng đội về, mặc cho bác sĩ can ngăn. Chuyến đi 10 ngày đó tưởng như là chuyến đi cuối cùng với người cựu chiến binh vì có lúc anh tưởng như mình kiệt sức. Thế nhưng, thật kỳ lạ, khi anh mang đồng đội về tới Huế thì sức khỏe gần như hồi phục dần. Anh trở về gia đình ở Vinh, tự vào viện và bác sĩ thấy cũng lạ lùng là tại sao với sức khỏe như vậy anh đã vượt qua những phút giây nguy kịch để trở về kịp phẫu thuật.

Và ít ai ngờ tới, bây giờ anh đã đủ trình độ trở thành một biên tập viên, quay phim, viết lời bình, tự đọc và làm một bộ phim tài liệu dài hai tập rất cảm động về Lữ đoàn 273 với tiêu đề Mãi mãi tình đồng đội. Một sự tình cờ, khi trở lại chiến trường Tây Nguyên làm bộ phim, anh đã gặp một giáo sư lịch sử của một trường đại học Mỹ đưa sinh viên đi thực tế tại Việt Nam. Vị giáo sư đó trước đây nguyên là phóng viên chiến trường, khi biết các anh là những người lính đã đánh trận Plây Cần, trận Đắc Tô Tân Cảnh năm 1968 và 1972 đã nhờ cô phiên dịch hỏi: “Các anh có công nhận trận Plây Cần là một thất bại của Việt Cộng không?”. Anh Phong trả lời: “Những năm đó, 1968 và 1972 chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đi xe tăng vào chiến trường đã là chiến thắng, là một sự thành công lớn. Hơn nữa, người Việt Nam chúng tôi có câu “Thất bại là mẹ của thành công”, nên nếu nhìn vào cục diện chiến trường khi đó chúng tôi là người chiến thắng”. Vị giáo sư cho rằng: “Tôi đã gặp một sĩ quan tâm lý chiến của Việt Cộng”, anh Phong mỉm cười: “Thời gian đó, tôi vẫn chỉ là một cậu bé nhưng nếu tôi chọn sự nghiệp nhà binh thì tôi cũng không phải là một sĩ quan tâm lý chiến mà tôi chỉ là một sĩ quan quân sự mà thôi”.

Sau cuộc gặp đó, anh Phong và vị giáo sư Mỹ đã trao đổi tư liệu, người cựu phóng viên chiến trường năm xưa ở bên kia bờ chiến tuyến đã cho anh những thước phim tư liệu chân thực và quý giá. Bây giờ, nếu ai có dịp tới Lữ đoàn 273 đóng tại Gia Rai, nếu muốn hiểu về lữ đoàn anh hùng này việc đầu tiên bạn sẽ được xem bộ phim đó…
Có một thầy Đuy-sen xứ Nghệ
Anh chưa bao giờ tự nhận mình là thầy và cũng không cho tụi trẻ gọi mình như vậy, chỉ gọi đơn giản là “bác Phong”.
Năm 1993, khi con gái lớn bắt đầu học lớp 6, mặc dù cô bé học lớp chuyên, nhưng trong một lần tình cờ kiểm tra bài vở của con anh thấy hoang mang vì cô bé rỗng từ những kiến thức cơ bản nhất. Trước nay, anh vẫn quá tin tưởng vào bảng thành tích của con. Trong một cuộc họp phụ huynh, anh đã là người thẳng thắn đứng lên phê phán căn bệnh thành tích trong nhà trường khi mà ngay trong một lớp, không có em nào kém nhưng trong đầu lại quá rỗng. Ý kiến này của anh đã gây sự hưởng ứng và bức xúc của nhiều phụ huynh khác… Liền sau đó, chị vợ anh là giáo viên của trường đã bị các thầy cô khác “nhắc nhở” là không biết bảo ban “người nhà”…
Vậy là một kế hoạch củng cố lại bài vở cho con được đặt ra. Có hôm anh phải thức tới 2-3 giờ sáng để học bài cùng con. Ban đầu là một vài người bạn gửi con tới nhà anh học nhờ cho vui, về sau lớp học đông dần… Anh chỉ nghĩ đây là một việc làm có ích thì tại sao lại không cố gắng vì lũ trẻ. Anh liền đi sắm bàn ghế, phấn bảng. Anh nhớ chiếc bảng đầu tiên là một tấm bảng bằng gỗ ghép nhưng sau đó bị bong khô, anh liền nhờ thợ tới làm một tấm bảng bằng xi măng kiên cố được đặt ở bức tường ngoài sân có mái che.
Thế rồi một phần vì dạy không lấy tiền và hiệu quả nên chẳng mấy chốc học trò cấp 2, cấp 3 từ khắp các phường trong thành phố Vinh tới lớp học “bác Phong”, lớp học luôn kín chỗ tràn từ trong nhà ra ngoài sân. Từ dạy một ca rồi tới hai ba ca trong ngày với rất nhiều trình độ khác nhau, từ các em cấp 2 bị rỗng kiến thức tới các em học sinh lớp chuyên nên chẳng thể kể hết những vất vả. Vậy nên, ngoài việc tự mày mò trang bị thêm kiến thức, với những bài toán khó thì anh mang hỏi các giảng viên, các thạc sĩ, tiến sĩ.
Cứ như vậy, đã gần 20 năm, cả gia đình anh đã quen với đám học trò đông đúc, hết lứa này tới lứa khác. Có rất nhiều học trò của anh theo học suốt từ lớp 6 tới khi thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Nhiều khi ra đường, học trò cũ chào “bác Phong” mà anh không thể nhớ xuể.
Không hiểu sao, khi viết tới những dòng này, tôi bất giác nhớ tới “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Nga Aitmato, chuyện về một anh lính phục viên, thầy Đuy-sen đã hết lòng vì sự nghiệp chung, mang tới cho lũ trẻ nơi hoang vu hẻo lánh những ước mơ hoài bão và tôi nhớ vô cùng những người thầy tận tụy, hiền hậu trong tuổi thơ mình. Đó có thể là người thầy đầu tiên hoặc rất nhiều người thầy khác nhưng là một người thầy mà mỗi người đều rất nhớ và quý trọng.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)