Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nỗi lòng cô giáo đất đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Nhắc tới Lý Sơn, hình ảnh hiện lên trước mắt đầu tiên có lẽ là chữ “nghèo”. Học sinh nơi đây nghèo từ ánh đèn để học, đến bộ quần áo mới trong ngày khai giảng… Thứ duy nhất họ không nghèo, đó là chữ “tình”, gắn kết họ lại với nhau. Những người thầy, người cô đã có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc khi phải đối mặt với bao nhọc nhằn của cuộc sống nhưng họ vẫn tiếp tục bám đảo vì học trò hiếu học. Học sinh đã bỏ học nhưng rồi lại quay trở về lớp vì ơn nghĩa thầy cô…
Bỏ thành phố ra đảo
Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Quảng Ngãi, chuyên ngành tiếng Anh, năm 1998, cô nữ sinh Đặng Thị Phượng lòng tràn đầy nhiệt huyết, tình nguyện xin ra đảo Lý Sơn dạy học bởi suy nghĩ rất đơn giản là ngoài đảo hiện thiếu giáo viên ngoại ngữ trầm trọng.
Là con gái trong một gia đình ở thành phố Quảng Ngãi, ngày cô giáo Phượng tiết lộ ý định ra Lý Sơn dạy học cũng là ngày gia đình phản đối kịch liệt. Những câu nói của cha mẹ “con biết gì về đảo, con biết gì về Lý Sơn mà ra” không ngăn nổi bước chân cô giáo Phượng.
Cô giáo Phượng nhớ lại: “Khi quyết định như vậy, mình hoàn toàn không biết gì về Lý Sơn. Lúc đó chỉ nghĩ ngoài đó họ sống được thì mình cũng sống được. Hơn nữa, thời gian xung phong công tác theo quy định của Sở là 3 năm nên mình muốn trải nghiệm cuộc sống ngoài đảo ra sao”.
Cô giáo Đặng Thị Phượng ngày ngày cặm cụi soạn giáo án, mong thắp sáng con chữ cho học sinh nghèo đất đảo
Trải qua những tháng ngày đầu nhiều bỡ ngỡ nơi đất đảo “khát” đủ thứ: điện, nước, người thân… Cô đã dần bắt nhịp và yêu thương mảnh đất này từ những cử chỉ, tình cảm rất dung dị của học sinh. Ngày 20-11, lần đầu tiên cô cảm nhận hết sự đầm ấm trong ngày Tết thầy cô. Đảo trở nên vui tươi và nhộn nhịp khác lạ với những tà áo trắng tung bay, rộn ràng khắp ngõ xóm. Một điều đặc biệt khiến cô Phượng xúc động, nhớ mãi là học sinh đảo không có tiền mua hoa tươi, nhưng những bông hoa được cắt từ giấy rất tỉ mỉ, chính là những bông hoa chân thành mà cô mong muốn nhận hơn bất cứ món quà nào…
Ý định ban đầu chỉ là muốn trải nghiệm cuộc sống, ấy vậy mà, cô giáo Phượng đã bị những con người đất đảo rất chân thành và chất phác níu chân đã 13 năm nay. Cuộc sống ở đảo tuy thiếu thốn đủ thứ nhưng những kỷ niệm vui và đẹp với học sinh như mạch nước ngầm nuôi dưỡng ý chí của người con gái thành phố, để cô tiếp tục bám đảo.
Canh cánh một nỗi lo
Mỗi khi soạn giáo án hay chấm bài thi xong, cô Phượng thường nhìn xa xăm về đất liền, nơi cha mẹ đang rất cần một bàn tay chăm sóc. Nghĩ về những người thân trong gia đình, ánh mắt cô giáo Phượng đong đầy tâm trạng: “Tổ ấm riêng của mình không được như mong muốn. Mình và cô con gái nhỏ sống nương tựa vào nhau ngoài đảo. Nghĩ về cha mẹ đã già yếu nơi đất liền không ai chăm sóc, thương lắm!”
Sau 13 năm công tác ngoài đảo, cô Phượng thổ lộ: cũng muốn xin về đất liền để được gần gũi người thân nhưng là người tâm huyết với nghề và hơn ai hết, cô cảm nhận rất rõ sự thiệt thòi của học sinh ngoài đảo, nhất là sự khó khăn trong học tập môn tiếng Anh nên cứ chần chừ và đắn đo với quyết định đó.
Gạt đi nỗi buồn riêng, cô dồn tâm sức vào mỗi tiết giảng nhằm truyền đạt hết những kiến thức mình có cho học sinh. Niềm hạnh phúc cô nhận lại từ học trò không chỉ là sự tiến bộ của các em mà còn là tấm lòng hiếu thuận, rất mộc mạc, đơn sơ mà đậm nghĩa tình. Cô hạnh phúc khoe: mỗi mùa thu hoạch hành, tỏi và dưa là cô lại được ăn “mệt nghỉ” những món quà ngày mùa từ các gia đình học sinh.
Những lúc cùng nhà trường đi đến nhà những em học sinh nghèo, không đủ điều kiện đi học để động viên gia đình cho em quay trở lại trường, cô càng thấy thương học sinh và lại tự nhủ mình cố gắng hoàn thành nghĩa vụ. Hay đôi khi bất ngờ nhận được lá thư từ những học sinh cũ, nay đã thành đạt, một niềm vui len lỏi trong cô, tiếp thêm sức mạnh cổ vũ, động viên cô vượt qua những ngày gian khó.
Ngồi bên hiên nhà, trong ánh sáng nhập nhòe của ngọn nến, cô tâm sự: “Thực lòng rất muốn về với cha mẹ nhưng tình yêu thương với học sinh cứ níu kéo. Hơn nữa, về bằng cách nào tôi cũng chưa biết. Cuộc đời chẳng nói trước được việc gì nên cứ cố gắng hoàn thành nghĩa vụ với học sinh, với người dân nơi đây bằng cả tấm lòng. Như vậy cũng đã được an ủi rồi!”
Mong ước được chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, điều tưởng chừng quá đơn giản với nhiều người, nhưng đến nay, câu hỏi chăm sóc bằng cách nào vẫn cứ đeo bám dòng suy nghĩ của cô giáo trẻ.
Dù gánh vác nhiều trọng trách, tự mình vượt qua khó khăn, trở ngại nhưng tinh thần cô giáo Phượng vẫn luôn được thắp sáng theo từng con chữ nơi miền đất Lý Sơn đầy nắng và gió.
Theo Thu Hà
(QĐND Online) 

Bình luận (0)