Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Trồng mè thay lúa trong vụ hè thu

Tạp Chí Giáo Dục

Nông dân trồng mè trên ruộng lúa vụ hè thu tại TP.Cần Thơ đang bước vào thụ hoạch rộ với niềm vui trúng mùa, được giá…

Lời hơn làm lúa

Những năm gần đây, nông dân tại TP.Cần Thơ đã tích cực đưa cây mè xuống ruộng lúa vào vụ hè thu. Cách sản xuất luân canh giữa lúa và hoa màu đang giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất so với làm 3 vụ lúa trong năm. Theo Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ, năm nay diện tích trồng mè trên ruộng lúa vụ hè thu đã đạt khoảng 5.300 ha, tăng hơn 1.000 ha so với kế hoạch.

Thu hoạch mè ở Q.Thốt Nốt – Ảnh: Quỳnh Như

Ông Huỳnh Tấn Phát (ngụ P.Long Hưng, Q.Ô Môn) cho biết nhiều năm nay ông đã không làm vụ lúa hè thu mà chuyển sang trồng thêm rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Trước đây, có lúc ông trồng đậu nành và bắp lai, dù lợi nhuận có cao hơn trồng lúa nhưng vất vả, đầu ra nhiều lúc gặp khó khăn. 7 năm nay, ông đã chuyển hết 22 công đất lúa sang trồng mè trong vụ hè thu và lợi nhuận từ cây mè cao gấp đôi so với bắp lai và gấp 3 – 5 lần so với trồng lúa. Chỉ cần năng suất mè đạt khoảng 6 giạ/công trở lên và giá bán từ 38.000 – 45.000 đồng/kg là đảm bảo có lời ít nhất từ 2 – 5 triệu đồng/công. “Tôi đã thu hoạch 12 công mè, năng suất đạt 10 giạ/công, bán được 40.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 7.000 đồng/kg so năm trước nên đảm bảo có lời”, ông Phát nói. Bà Lê Thị Điệp (ngụ P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt) cho biết những năm trước, gia đình bà làm lúa trong vụ hè thu tốn nhiều chi phí nhưng giá lúa thấp nên chỉ lời khoảng 1 triệu đồng/công. Năm nay, gia đình bà sạ hết 5 công mè trong vụ hè thu, năng suất 12 giạ/công, bán được 42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời trên 3,5 triệu đồng/công.

Nhiều nông dân trồng mè ở TP.Cần Thơ cho rằng ruộng sau khi trồng mè sạ lại lúa sẽ rất trúng, ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm. Ngoài ra, cây mè còn là loại cây thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vụ hè thu. Hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, có thể bảo quản lâu để chờ giá, hạn chế được áp lực đầu ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ.

Cần thêm trợ lực

Hiện nay, điều mà người trồng cây mè chưa an tâm là giá của sản phẩm thường xuyên biến động theo hướng bất lợi khi bước vào thu hoạch rộ. Tình trạng này làm những hộ không có điều kiện dự trữ sản phẩm hoặc phải bán ngay sau thu hoạch để thanh toán vật tư nông nghiệp và tái sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, người trồng mè chưa được hỗ trợ nhiều từ các ngành chức năng trong công tác giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý dịch hại để đảm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm một cách bền vững. Bà Nguyễn Thị Thân (ngụ P.Trung Kiên, Q.Thốt Nốt) cho biết: “Thời gian qua, do chưa có giống tốt và rành kỹ thuật, nhiều ruộng mè của nông dân đạt năng suất thấp, tỷ lệ chênh lệch năng suất giữa các ruộng mè rất lớn. Hơn nữa, chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu, sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên khó bán được giá khi vào cao điểm thu hoạch. Đơn cử như đầu vụ năm nay giá hạt mè 45.000 đồng/kg nhưng hiện thương lái chỉ mua 37.000 – 38.000 đồng/kg”.

Cây mè đã và đang khẳng định hiệu quả trên nền đất lúa ở nhiều nơi tại TP.Cần Thơ. Theo đó, diện tích đang có xu hướng tăng và duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Tại Q.Ô Môn, 3 năm trước diện tích mè chỉ khoảng 900 ha nhưng vụ hè thu này đã tăng lên 1.700 ha; ở Q.Thốt Nốt diện tích mè cũng được duy trì khoảng 2.800 ha. Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó trưởng phòng Kinh tế Q.Thốt Nốt, cho rằng: “Dù địa phương rất muốn có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng lại gặp khó trong việc tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp”.

Ông Trương Văn Phú, Phó trưởng phòng Kinh tế Q.Ô Môn, kiến nghị: “Để cây mè phát triển bền vững, thời gian tới cần có sự hỗ của các bộ ngành T.Ư, thành phố trong việc định hướng phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường và tham gia bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp; đồng thời cần tăng cường hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và bảo quản sản phẩm cho nông dân”.

Quỳnh Như (TNO)

Bình luận (0)