Vào quán cà phê hay đi dự tiệc trong nhà hàng… thực khách được phục vụ rất chu đáo. Ít ai biết rằng lẫn trong đội ngũ tiếp viên trẻ đẹp đó có không ít kỹ sư, bác sĩ và thầy cô giáo tương lai. Đây cũng là “ngôi trường” thứ 2 mà các em đang “học” ở bên ngoài giảng đường.
Từ bồi bàn nghiệp dư
Nguyễn Phan Thượng Nhân trong thời gian còn làm anh bồi bàn nghiệp dư |
Nguyễn Phan Thượng Nhân ngay từ năm nhất học trung cấp đã đi làm thêm. Ban ngày học ở Trường Nghiệp vụ Du lịch TP.HCM, đêm về chàng học viên quê ở Hố Nai (Đồng Nai) vào làm anh bồi bàn ở một nơi mà Nhân cho đó là “ngôi trường thứ 2” của mình. Đó là một quán cà phê nổi tiếng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận. Nếu vào lớp Thượng Nhân là một người chân chất, hiền lành thì khi trở thành nhân viên của quán chàng ta đã là một người hoàn toàn khác. Trước hết là cách ăn mặc, không thể đồ sơ-mi, áo thun tùy hứng như vào giảng đường mà thay vào đó là bộ đồng phục của bồi bàn theo quy định của quán. Hôm vào quán tôi gặp Nhân mà nhìn không ra, bởi thái độ của anh bồi nghiệp dư cũng có vẻ đàng hoàng và chững chạc hơn chứ không thể đùa nghịch “láu cá” như ở trong trường. Những lời căn dặn, phân công của bà chủ quán chính là bài học nhập môn mà ngày đầu tiên đi làm Nhân phải nhớ và thực hiện cho đúng. Nhân cho biết công việc chính của em là chạy bàn, bưng bê và phụ những công việc không tên khác khi có người cần.
Một trường hợp khác. Ngay từ khi bước vào cổng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Đặng Thị Bích đã phải làm thêm nghề tay trái cùng với mẹ. Hôm nào
Có đi làm thêm, các bạn sinh viên mới càng quý những đồng tiền do chính mồ hôi và nước mắt của mình làm ra, hiểu rõ hơn giá trị của chữ nhẫn trong cuộc đời và biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. |
rảnh hay ngày nghỉ cuối tuần, cô bé da trắng, hai má bánh đúc bầu bĩnh lại đến một quán phở trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình để “đóng vai” người bán hàng ăn. Tuy bận rộn với việc học nhưng nhà kinh tế tương lai thấy công việc có vẻ hợp với mình và điều quan trọng là có thêm thu nhập trong gia đình đang có 3 anh em đi học. Cũng giống như Thượng Nhân, khi đi làm Bích “vào vai” rất ngọt nhân viên bưng bê, ít ai nghĩ rằng cô bé chạy bàn kia là một sinh viên đại học.
Bẵng đi một thời gian hơn năm, tôi gặp lại Nhân, bây giờ em đã cao hơn một chút (vì đã là học viên năm thứ 2) và có vẻ già dặn hơn. Nhưng điều quan trọng hơn là Nhân đã trưởng thành và có vẻ từng trải trong công việc.
… Đến “trường học” thứ 2
Nhờ công việc chạy bàn nên Thượng Nhân có thêm mối quan hệ, vì vậy em quyết định “chia tay” với quán cà phê trên đường Nguyễn Trọng Tuyển mà xin vào làm tại một công ty dầu khí trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh. Công việc tuy bận rộn không kém bồi bàn (vì là nhân viên sai việc), nhưng bù lại lương “sống được” và điều quan trọng là ở đây Nhân học được cách làm việc chuyên nghiệp theo kế hoạch hay làm việc theo nhóm. Nhớ lại câu chuyện trước đây Nhân kể tôi nghe lại càng thương cho “kiếp” đi làm thêm để kiếm sống: hai chân mỏi nhừ mà vẫn phải chạy tới chạy lui để bưng bê, nếu chậm chân không chỉ bị khách mắng vốn mà còn bị chủ quán nặng lời; lỡ tay hay… lỡ miệng một chút thì bị người khác chì chiết tức thì. Riêng với Nguyễn Thị Bích, công việc có sai sót một chút không chỉ bị chủ quán mắng mà còn bị khách hàng chê bai.
Có đi làm thêm, những SV như Bích, như Nhân mới càng quý những đồng tiền do chính mồ hôi và nước mắt của mình làm ra, hiểu rõ hơn giá trị của chữ nhẫn trong cuộc đời và biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Theo Nhân, việc học không chỉ giới hạn trên giảng đường hay trong những cuốn sách giáo trình mà nên tạo cách học từ nhiều nguồn khác nhau. Từ một người chỉ biết kiến thức i tờ, đến nay Nhân đã biết pha chế rượu, cà phê và nhiều loại cooktail hảo hạng khác. Nguyễn Minh Quyên, sinh viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng đi làm thêm cũng là một cách học, học nhưng không cần trường lớp hay sách vở mà bằng chữ nghĩa của cuộc đời. Không chỉ học kiến thức mà còn học kỹ năng kiếm tiền, cách làm chủ đồng tiền… Vấn đề là phải biết cân đối thời gian cho hợp lý, đừng để thời gian làm thêm “nuốt” hết thời gian đi học.
Rõ ràng việc làm thêm của sinh viên không phải ai cũng đồng tình ủng hộ, ngay cả những người trong cuộc cũng thấy mặc cảm… vì sợ mất giá. Thế nhưng, đây chính là “lò lửa” tốt nhất để rèn luyện các kỹ sư, bác sĩ… tương lai có thêm “chất thép” trong bản lĩnh và kinh nghiệm sống. Điều quan trọng là chọn việc làm thêm phải phù hợp với năng lực và sở thích chứ không nên chạy theo mốt thời thượng hoặc cứ “đứng núi này trông núi nọ” không theo đuổi đến cùng một công việc nào cả.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)