Theo cơ chế, chính sách áp dụng đối với dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giá điện. Sáng 2-6, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ HOÀNG TRUNG HẢI (ảnh) trả lời báo chí về nội dung này.
* Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, vừa rồi chúng ta đã khởi động chính sách hỗ trợ cho điện phân nhôm. Đến nay đã có doanh nghiệp nào bày tỏ quan tâm đến cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp này?
* Phó Thủ tướng HOÀNG TRUNG HẢI: Đã có một số doanh nghiệp. Nhưng đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ càng, có năng lực và quyết tâm lắm mới làm được. Hiện có 2 dự án. Một dự án là do doanh nghiệp tư nhân trong nước đảm nhận. Một dự án còn lại do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam làm với Hàn Quốc. Nhưng dự án ước tính có giá cao. Tuy Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp phải tính toán dựa trên năng lực thực tế của mình xem hiệu quả đến mức nào.
* Được biết, giá điện là một yếu tố có ý nghĩa quyết định hiệu quả của dự án. Nếu ưu đãi về giá điện cho các dự án này thì có phải xin ý kiến Quốc hội hay không, thưa Phó Thủ tướng?
* Giá áp dụng cho dự án vẫn trong biểu giá, ở cấp điện áp cao 220kV, các doanh nghiệp phải tối ưu hóa phương án của mình trong khoảng giá đó để làm cho có hiệu quả. Nhưng cần nói thêm là dự án này sẽ đáp ứng rất tốt nhu cầu nhôm trong nước.
* Hai nhà máy bauxite của Việt Nam do Trung Quốc cung cấp thiết bị, liệu có gì đáng lo ngại, trong trường hợp tình hình diễn biến cực đoan?
* Qua dự án Tân Rai thì thấy khả năng làm chủ công nghệ của kỹ sư, công nhân Việt Nam rất tốt. Các dự án này hoàn toàn là do người Việt Nam vận hành chứ không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Tới đây ở dự án Nhân Cơ cũng vậy, mình cũng tiếp thu và tự chủ trong vận hành. Vấn đề lớn nhất là phải quản trị, vận hành dự án sao cho an toàn, hiệu quả; đồng thời tính toán dự phòng để tìm các thiết bị thay thế, chế tạo trong nước hoặc tìm kiếm thị trường cung cấp khác. Thực ra điều này cũng không quá lo ngại. Công nghệ mà mình nhập cho 2 dự án này là công nghệ G7, là loại phổ biến trên thế giới. Một số loại các nhà máy cơ khí trong nước cũng có thể làm được, hoặc có thể nhập được ở nhiều nước trên thế giới. Khi nhận chuyển giao thì mình cũng phải nắm được các dự án có mã nguồn. Theo hợp đồng, họ phải chuyển giao cho mình.
* Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
ANH THƯ (SGGP)
Bình luận (0)