Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Kỹ năng mềm” với sinh viên trong thời hội nhập: Kỳ 1: Yếu tố quyết định sự thành công

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM học KNM tại ngày hội việc làm do trường tổ chức. Ảnh: M.Tâm

“Kỹ năng mềm” (KNM) là thuật ngữ chỉ các kỹ năng thuộc về tính cách của con người, những hành vi ứng xử, giao tiếp và cho phép tương tác với người khác. Theo Kinixti (học giả Mỹ) thì KNM quyết định 75% sự thành công của một người, trong khi trình độ chuyên môn bằng cấp chỉ chiếm 25%.
Những năm gần đây, cụm từ KNM được nói đến như là “chìa khóa” thành công của người lao động trong thời hội nhập. KNM còn được gọi là kỹ năng con người hay kỹ năng thực hành xã hội,đó là sự nhạy bén trong xử lý công việc, giao tiếp ứng xử, khả năng hòa nhập được với môi trường làm việc… Bởi chính những điều đó quyết định hiệu quả làm việc, phát huy tiềm năng cá nhân, nâng cao năng suất lao động và mang lại thành công cho mỗi người.
1. Trong những trụ cột học tập ở thế kỷ 21 mà UNESCO đã đưa ra: “Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để làm người” thì 3 trong 4 trụ cột này liên quan tới KNM mà người học phải đạt được khi kết thúc khóa học, ra đi làm. Điều này cho thấy KNM là tiêu chí của chất lượng giáo dục hiện nay, nhất là ở bậc ĐH nhưng hầu như các trường hiện đang nghiêng về Học để biết là chủ yếu. Tuy nhiên, có một thực tế là năng lực của người lao động trong thời hội nhập không chỉ nằm ở Học để biết nữa mà phải học để biết làm người, để tự khẳng định mình, để chung sống và từ đó đóng góp chung cho cộng đồng xã hội.
Thực tế KNM là những phản xạ hết sức cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Khi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào phục vụ cho cuộc sống đều đòi hỏi chúng ta phải thỏa mãn những kỹ năng tương ứng. Trang bị KNM tức là tác động vào nhận thức, thái độ cầu tiến và ý thức bản thân của mỗi cá nhân để từ đó tự điều khiển thái độ hành vi, giao tiếp giữa người với người.
Qua nghiên cứu cho thấy kỹ năng chuyên môn hay còn gọi là kỹ năng “cứng” có thể giúp ứng viên bước qua được cánh cửa của nhà tuyển dụng, nhưng chính KNM mới giúp thăng tiến và thành công. KNM chính là bàn đạp, là thứ có thể mở ra hầu hết các cánh cửa thành công ở phía trước và quan trọng KNM chính là công cụ giúp “truyền tải” kỹ năng “cứng” tới mọi người, đưa kỹ năng cứng vào công việc, cuộc sống một cách linh hoạt và hiệu quả. Nhờ có KNM mà kỹ năng cứng được phát huy bởi sẽ chẳng có ai tin vào khả năng của bạn nếu bạn không biết cách thể hiện chúng.
Trong thời hội nhập, trình độ học vấn chuyên môn và bằng cấp chưa đủ để quyết định được tuyển dụng. Theo anh Trần Bảo Ngọc – Công ty Kimberly Clark: “KNM giúp cho nhà tuyển dụng chú ý đến bạn hơn và đặt niềm tin vào bạn”.
2. Mới đây, một cuộc khảo sát dành cho sinh viên (SV) năm 3 và năm 4 tại Khoa Chất lượng cao (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho thấy: 84% SV đều biết và có kiến thức về KNM; 91% SV đều cho rằng KNM là chìa khóa làm nên sự thành công; 73% SV cho rằng KNM là vô cùng cần thiết. Điều này cho thấy rằng SV hiện nay đã quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, tổng hợp chung có đến 77% SV lại chưa từng tham gia bất kỳ khóa học KNM nào vì nhiều lý do. Cũng chính vì chưa từng tham gia khóa học nào nên các bạn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của KNM. Vì thế có đến 64% SV bỏ qua các buổi hội thảo, chuyên đề hay không tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức để cải thiện KNM.
Đi sâu phân tích cụ thể SV từng năm cho thấy nhận thức về KNM của SV năm thứ 3 có sự khác biệt tương đối so với SV năm thứ 4. Cụ thể, số lượng SV năm 3 chưa từng tham gia khóa học KNM (80%) nhiều hơn năm 4 (57%). Ngoài ra, có 58% SV năm 4 cho rằng KNM rất quan trọng, 90% trả lời là có ý thức trau dồi KNM, trong khi SV năm 3 lần lượt là 37% và 78%.
Giải thích điều này, TS. Ngô Anh Tuấn – Trưởng khoa Chất lượng cao (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) – cho biết: “Khoa luôn đề cao nhu cầu học tập của SV. Các khóa KNM theo môn học tự chọn đã được triển khai cho SV cuối năm 3. SV năm 4 do đã được tham dự các khóa học này nên các em có ý thức tự trau dồi KNM hơn trong các hoạt động sống và học tập. Ngoài ra, SV năm 4 đã nhận thức được tầm quan trọng của KNM, đã có sự trải nghiệm và trong quá trình học cũng được giảng viên định hướng kỹ nên từ đó các em ý thức hơn trong việc trang bị KNM cho bản thân”.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng ngày nay yếu tố con người đóng vai trò then chốt thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng xã hội. Vì thế với cùng một chất lượng đào tạo ngang nhau nhưng cá nhân nào có những “điểm cộng” khác để bổ sung thì người đó chiếm ưu thế và những “điểm cộng” này chủ yếu đến từ KNM. Có lẽ vì thế mà KNM đang được xem là chìa khóa để mở ra mọi cánh cửa thành công trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Bùi Thị Hải Lý
(Cao học giáo dục 19B, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)