Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đề thi Ngữ văn bất ngờ, Hóa học vừa sức

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hà Nội, hầu hết thí sinh nhận xét đề thi môn Hóa (khối B) năm nay rải đều chương trình, nhiều câu cơ bản, dễ kiếm điểm. Tuy nhiên, đề Văn (khối C) khiến nhiều học sinh bất ngờ.

Thí sinh làm bài thi môn cuối của kỳ tuyển sinh đại học đợt 2, sáng 10/7. Ảnh: Như Ý.
Tại các hội đồng thi của ĐH Y Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội)…, nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh học lực trung bình khá trở lên cũng có thể đạt 5 – 6 điểm.
Văn Minh, dự thi trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, đề thi môn Hóa học khối B dễ hơn năm ngoái, một số câu khá vừa sức.
Một số thí sinh khác cho rằng, đề Hóa nhiều câu hỏi dễ kiếm điểm. Tuy nhiên, nhiều câu phải tính toán nên mất nhiều thời gian.
Sau 180 phút làm bài môn Ngữ Văn khối C, nhiều thí sinh tại các hội đồng thi ở Hà Nội như ĐH Văn hóa, ĐH Sư phạm Hà Nội… khá bất ngờ về đề năm nay.
Đặng Thị Khuyết (Thanh Hóa), thi trường ĐH Văn hóa, cho biết, đã “ngã ngửa” khi nhận đề Ngữ Văn sáng nay. “Em làm không tốt câu 5 điểm”- Khuyết buồn rầu cho biết.
Ngoài câu 3b chiếm 5 điểm thì các câu 1 và 2 trong đề, Khuyết cho rằng, không quá khó kiếm điểm.
Lý Thị Vân (Tuyên Quang) cũng cho hay, đề thi Ngữ Văn khối C bất ngờ.
Với Đỗ Uyên (Hải Dương), đề thi Ngữ Văn khối D không quá khó. Uyên nói đạt khoảng 7 điểm.
Đà Nẵng: Thí sinh hào hứng với câu hỏi về lối sống
Tại TP.Đà Nẵng, ghi nhận nhanh ở Hội đồng thi THCS Lê Độ (Đà Nẵng) khá nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm trước khi hết giờ làm bài môn Ngữ Văn 30 phút. Nhiều thí sinh đánh giá, câu hỏi tập trung kiến thức cơ bản, phần lớn SGK lớp 12.
Theo thí sinh Lê Thị Thảo Ngân (dự thi khối C vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng), đề thi chỉ yêu câu làm 3 câu, không quá dài nên chúng em kết thúc bài làm sớm. Các câu hỏi về truyện ngắn Hai đứa trẻ (câu 1), hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) hay nhân vật Từ (Đời Thừa, Nam Cao)… đều gần gũi với nội dung ôn tập của thí sinh.
Ở đề Văn khối D, thí sinh không bất ngờ với câu hỏi về Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Vội vàng (Xuân Diệu) hay Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).
Đáng chú ý, ở cả đề văn khối C, D đều có câu hỏi nghị luận về lối sống. Ở đề khối C, Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình.
Theo các thí sinh, câu hỏi hay nhưng khá khó khi yêu cầu thí sinh nhận định cả mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên.
Một số thí sinh cho rằng, câu hỏi không phải đọc cái là hiểu được ngay. Nhiều bạn lúng túng khi câu hỏi có quá nhiều mệnh đề: “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau/ biết thủ thể, giữ mình/ gỡ được tình thế khó khăn”.
Ở đề Văn khối D, thí sinh thoải mái hơn với câu nghị luận về cách sống thụ động theo nhận định chàng trai Việt Kiều Trần Hùng John – Chàng trai 8X từng xuyên Việt với chiếc ví rống.
“Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn. Em rất thích mệnh đề của nhận định này. Thực tế, nhiều bạn trẻ ngày nay đang thụ động, không mạnh dạn dấn thân, mày mò, sáng tạo và khẳng định mình trên những con đường mới”, thí sinh Phan Bảo Trâm (dự thi ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) nói.
Đỗ Hợp  – Nguyễn Huy
(TPO)
 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)