Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xã hội hóa xây dựng bến xe khách

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Bộ GTVT, tính đến tháng 6.2014, cả nước có 457 bến xe khách, trong đó có 322 bến xe loại 4 trở lên, đảm bảo phục vụ cho hơn 2.500 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch tại một số địa phương liên tục điều chỉnh thiếu ổn định, tính kết nối bến xe với các phương thức vận tải hành khách công cộng còn thấp, thiếu cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa bến xe. Đặc biệt, tại một số địa phương còn phát sinh nạn bến “cóc”, xe “dù”,… gây ảnh hưởng đến phục vụ hành khách. Tại 63 tỉnh, thành mới chỉ có 213/457 bến xe đã được xã hội hóa, chiếm tỷ lệ rất thấp (46,6%). Các bến xe xã hội hóa chưa sử dụng hết năng lực sẵn có của mình, số lượng xe xuất bến hạn chế. Giải thích điều này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Lý do chính vẫn là cơ chế chính sách chưa hợp lý và tạo điều kiện thu hút được các nhà đầu tư. Thêm vào đó, công tác quy hoạch và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng bến xe còn yếu; việc điều tiết hoạt động của phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chưa thể vận hành theo cơ chế tự điều tiết…

Theo ông Lê Viết Hoàng, TGĐ Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng để việc xã hội hóa bến xe hiệu quả cần thống nhất một mô hình, nhà nước không nắm giữ cổ phần để huy động vốn đầu tư bến xe ngày càng khang trang. Trong khi đó, đại diện Sở GTVT TP.Hà Nội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, công bố lại quy hoạch bến xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phân loại, đưa ra danh mục các bến xe có khả năng thu hút đầu tư cao đưa vào kêu gọi xã hội hóa. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách ưu đãi về bố trí mặt bằng, nguồn vốn giải phóng mặt bằng riêng cho việc thu hút xã hội hóa các bến xe. Ban hành mức thu xe ra vào bến và các mức thu khác có liên quan phù hợp với loại và quy mô của bến xe đã đầu tư để tạo thuận lợi cho các bến xe xã hội hóa hoạt động hiệu quả.

Hoàng Vân – Hoàng Vi

(TNO)

Bình luận (0)