Một giờ kể chuyện tại Trường MN 30-4, Q.1 |
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GD Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu như vậy tại buổi giao ban các Phó trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện phụ trách mầm non mới đây.
Các trường công bố tuyển sinh công khai
Không như phổ thông, ở mầm non, việc tuyển sinh được diễn ra quanh năm. Song cao điểm vẫn là từ 15-6 đến 15-7. Tuy nhiên, mỗi trường cũng chỉ nhận khoảng 100-150 cháu, thậm chí có trường chỉ nhận vài chục cháu. Trong khi đó nhu cầu của phụ huynh thì cao gấp 5-7 lần, đặc biệt có nơi lên cả chục lần. Đã vậy việc phát hành đơn ở một số trường lại diễn ra… “nhỏ giọt”. Nghĩa là nhận bao nhiêu cháu thì phát hành bấy nhiêu đơn. Không chỉ có vậy, thời gian phát hành đơn chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất. Theo đó phụ huynh nào tới càng sớm và lấy được số thứ tự càng nhỏ thì khả năng mua được đơn càng cao. Mua được đơn cũng có nghĩa là con mình có chỗ học. Từ đó đã dẫn đến tình trạng mới 3-4 giờ sáng nhiều phụ huynh đã xếp hàng chật kín cổng trường chờ lấy số thứ tự…
Mùa tuyển sinh năm 2009, một trường mầm non ở Q. Tân Bình đã để xảy ra tình trạng này. Nhiều phụ huynh ỉ i nhà gần trường nên 6 giờ sáng mới tới mua đơn nhưng khi đến nơi thì ngay cả một chỗ để đứng cũng không còn, huống hồ là đơn. Tình cảnh này đã gây bức xúc cho phụ huynh cũng như dư luận xã hội…
Cũng trong mùa tuyển sinh năm trước, Phòng GD mầm non – Sở GD-ĐT TP đã nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh về việc phải xếp hàng từ sáng sớm mà không mua được đơn xin học cho con.
Để hạn chế tình trạng trên, mùa tuyển sinh năm 2010, bà Kim Thanh yêu cầu các trường mầm non: “Kéo dài thời gian phát hành và nhận đơn xin học từ 2-3 tuần, thậm chí là 1 tháng. Và phát hành đơn đại trà, phụ huynh nào có nhu cầu mua thì cứ bán. Bán rẻ thôi, khoảng 2-3 ngàn đồng/ bộ hoặc phát không. Nếu không còn đơn thì có thể linh động nhận giấy viết tay của phụ huynh…”. Song, do chỗ học có giới hạn nên bà Kim Thanh cũng nhấn mạnh: “Việc phát hành và nhận đơn thì đại trà nhưng khi xét duyệt phải có ưu tiên. Chẳng hạn như con giáo viên trong trường, có hộ khẩu trên địa bàn, cha mẹ là cán bộ – công chức, có anh/ chị đang học trong trường…”.
Về vấn đề tuyển sinh mầm non, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP chỉ đạo: “Các trường phải quy định điều kiện nhận trẻ một cách công khai, rõ ràng để phụ huynh biết. Tuyệt đối không để tình trạng tuyển sinh cộng học hè – nghĩa là trẻ nào học hè thì được nhận học chính thức. Và cũng không nhận trẻ theo kiểu phụ huynh nào đến sớm xếp hàng mua đơn thì được…”.
Dẹp các nhóm trẻ gia đình trên 60 cháu
Phụ huynh mua đơn xin học cho con tại Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 (năm 2009) |
Cũng tại buổi giao ban này, vấn đề mà Phòng GD mầm non – Sở GD-ĐT lưu ý các phòng GD-ĐT quận, huyện là tình trạng các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) ngày càng “phình to”. Theo quy định, mỗi NTGĐ chỉ được nhận không quá 60 cháu/ 2 lớp, nhưng khi đi kiểm tra Sở GD-ĐT phát hiện có những NTGĐ đang nuôi giữ tới 300 cháu/ 8 lớp!
Thành phố hiện có 815 NTGĐ, tập trung nhiều nhất ở các quận ven như Q.2, Q.12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp… Trong đó có những quận có tới cả trăm NTGĐ, với hàng chục nhóm đang nuôi giữ vượt quy định từ 2-5 lần. Cơ sở vật chất nhỏ hẹp, giáo viên thiếu chuyên môn, ít kinh nghiệm, trẻ lại quá đông, nguy cơ xảy ra tai nạn từ những NTGĐ là rất lớn. Trong khi đó ở bậc học mầm non, việc đảm bảo an toàn cho cháu luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó cần phải quản lý chặt các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhất là NTGĐ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện: “Từ nay đến tháng 9, những NTGĐ trên 60 cháu phải phạt hành chính, yêu cầu giảm số cháu theo đúng quy định hoặc hoàn tất thủ tục xin nâng cấp lên thành trường. Những nhóm trẻ nào không thực hiện thì vào năm học mới sẽ không cho khai giảng…”.
Không chỉ có vậy, bà Kim Thanh cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện khi cấp phép cho các NTGĐ cần khuyến cáo chủ trường chưa nên nhận trẻ dưới 2 tuổi, vì đối tượng này rất dễ gặp tai nạn. Và trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra… Gần đây nhất là đầu tháng 3-2010, tại nhóm lớp tư thục Hoa Mai (Q.2) đã để xảy ra tai nạn cho cháu (14 tháng tuổi). Kiểm tra nhóm lớp này, Phòng GD-ĐT – Sở GD-ĐT phát hiện nhóm mới thành lập chưa đầy 1 tháng, đang nuôi giữ 20 cháu với 2 giáo viên. Do giáo viên thiếu kinh nghiệm, chưa biết phối hợp với nhau nên khi cháu bé vào nhà vệ sinh mà không cô nào phát hiện. Vì vậy, bé đã bị té vào xô nước gây ngạt. Cũng may bé đã được Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu sống…
Bà Kim Thanh cũng nhắc lại: “Để được cấp phép hoạt động, các NTGĐ phải đảm bảo diện tích sinh hoạt cho mỗi cháu là 1,5m2, diện tích nhà vệ sinh là 0,4m2. Điều kiện cơ sở vật chất phải đảm bảo an toàn cho trẻ như có chấn song ở cửa, nhà vệ sinh không chứa nước – trải thảm gai chống trơn trượt…”.
Bài & ảnh: Triều Hòa
Bình luận (0)