Chiều 28-7, ông Văn Công Sang – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã tuyển được 3.455 giáo viên (GV) các cấp. Về cơ bản đã đủ GV, trong đó ở bậc tiểu học đảm bảo mỗi lớp có ít nhất một GV…”.
Năm 2010, ngành GD-ĐT TP.HCM cần tuyển 3.277 GV, trong đó mầm non – 839 GV; tiểu học (dạy nhiều môn) – 560 GV, các môn năng khiếu và ngoại ngữ – 311 GV; THCS – 769 GV; THPT – 617 GV; khuyết tật – 35 GV, tâm lý – 3 GV và các trường trung cấp, cao đẳng – 143 GV. Sau hơn một tháng (từ 1-6 đến 9-7) đã có 5.240 ứng viên đăng ký xét tuyển. Từ ngày 9-7 đến nay, Sở GD-ĐT, các trường trung cấp – cao đẳng và phòng GD-ĐT 24 quận, huyện đã tiến hànhrà soát dữ liệu đối với những ứng viên này. Kết quả đã tuyển được 3.455 GV, dư 178 GV so với chỉ tiêu ban đầu.
Mặc dù vậy, vẫn có không ít môn học thiếu GV. Chẳng hạn như ở bậc THPT, trong khi các môn toán, lý, hóa, địa, sử, sinh… dư hàng chục GV/ môn thì môn kỹ thuật công nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp thiếu 6 GV/ môn, quốc phòng thiếu 10 GV, tin học thiếu 12 GV. Ở bậc THCS, môn tin học, sinh cũng rơi vào tình trạng thiếu GV… “Để đảm bảo chương trình, ở những bộ môn thiếu GV, mỗi GV sẽ dạy trên 20 tiết/ tuần thay vì 18 tiết theo quy định”, ông Văn Công Sang cho biết.
Ở bậc mầm non, dù có tới 918 ứng viên đăng ký nhưng chỉ tuyển được 753 GV. Theo đó, còn thiếu 86 GV so với chỉ tiêu tuyển dụng của các phòng GD-ĐT quận, huyện.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, với những trường tiểu học dạy 2 buổi/ ngày, mỗi lớp phải có 1,5 GV. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay TP.HCM vẫn chưa thể thực hiện được điều này. Do vậy, trong năm 2010-2011, chỉ tiêu biên chế GV của các trường tiểu học không quá 1,05. Với tỷ lệ này, thành phố cần 560 GV tiểu học dạy nhiều môn. Tính đến thời điểm này các quận, huyện đã tuyển được 610 GV, cao hơn chỉ tiêu 50 GV. Song, điều đáng bận tâm là phần lớn GV chen nhau nộp hồ sơ vào các quận nội thành, trong khi vùng ven và ngoại thành nhu cầu nhiều nhưng người đăng ký lại ít. Điển hình như huyện Bình Chánh, nhu cầu 110 GV nhưng chưa tới 40 GV đăng ký, ở Q.Bình Tân là 106/63…
“GV nào cũng muốn dạy ở nội thành, không ai chịu đi xa. Lỗi này một phần là do các trường sư phạm đã không làm tốt công tác tuyên truyền. Sinh viên sư phạm không phải đóng học phí như sinh viên các trường ĐH, CĐ khác. Vì vậy khi ra trường phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội, đó là đi vùng sâu, vùng xa”, ông Văn Công Sang bức xúc.
Quả đúng như vậy, bao nhiêu năm nay các quận ven và huyện ngoại thành của thành phố thường xuyên rơi vào tình cảnh thiếu GV. Mùa tuyển dụng, Sở GD-ĐT điều về 10 người thì có tới 3-4 người bỏ nhiệm sở. Năm nay, các quận, huyện được quyền tuyển GV thì số người đăng ký chỉ bằng 1/2-1/3 so với nhu cầu tuyển dụng. Nhiều người thà làm trái ngành hoặc dạy tại các trường tư thục, dân lập chứ nhất quyết không chịu đi dạy ở vùng ven, ngoại thành. Và năm sau, họ lại tiếp tục đăng ký vào các trường ở nội thành. Tại sao ngành GD-ĐT không mạnh tay với những đối tượng này? Nên chăng, mỗi giáo sinh chỉ được đăng ký xét tuyển một lần. Như vậy, nếu họ không chịu đi vùng ven, ngoại thành thì vĩnh viễn không còn cơ hội đứng trên bục giảng. Về phía Bộ GD-ĐT, nên truy thu lại học phí đối với những sinh viên sư phạm khi ra trường không đi dạy tại hệ thống giáo dục công lập. Có như vậy, vùng sâu, vùng xa mới không rơi vào tình cảnh thiếu GV triền miên…
Hòa Triều
Bình luận (0)