Vừa qua, Bộ GD&ĐT thông qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD, Dự án Phát triển GV THPT và TCCN đã tiến hành thí điểm vận dụng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học để đánh giá GV của một số trường THPT ở 5 tỉnh: Hà Nội, Hà Tĩnh, Sơn La, Trà Vinh, Đắc Lắc. Từ kết quả thu được, có cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện bộ Chuẩn nghề nghiệp GV Trung học. Nội dung thí điểm bao gồm vận dụng chuẩn vào việc đánh giá, xếp loại GV đồng thời lấy ý kiến đóng góp cho văn bản Chuẩn.
Phần lớn GV có năng lực khá
Theo tổng kết của Bộ GD&ĐT, có 3.500 GV đã được tham gia thí điểm, trong đó có 1037 GV, Hà Nội có 251 GV (chiếm tỉ lệ 30,1%) và Hà Tĩnh có 786 GV (chiếm 98,25% GV toàn tỉnh).
Kết quả xếp loại của GV tự đánh giá và tổ chuyên môn đánh giá năng lực nghề nghiệp của GV Trung học theo chuẩn. Theo đó, phần lớn GV Trung học tự đánh giá khá (chiếm 65,5%) và mức trung bình (chiếm 20,9%). Tỉ lệ GV có năng lực ở mức xuất sắc còn thấp (chiếm 13,1%), GV xếp loại năng lực ở mức kém chiếm 0,4%.
Kết quả xếp loại GV của tổ chuyên môn cho thấy: phần lớn GV trung học hiện nay có năng lực khá (chiếm 63,7%) và trung bình (chiếm 18,5%). Tỉ lệ GV có năng lực ở mức xuất sắc còn thấp (chiếm 17,6%), GV xếp loại năng lực ở mức yếu kém chiếm 0,2%. Nhìn chung, kết quả này khá tương đồng với ý kiến tự đánh giá của các GV.
Kết quả thí điểm cũng cho thấy, mức trung bình GV đạt được ở tất cả các tiêu chí trong các tiêu chuẩn ở chuẩn nghề nghiệp GV trung học khoảng mức 2 và mức 3. Trong đó, GV đạt mức trung bình cao nhất ở các tiêu chí như: ứng xử với đồng nghiệp và tiêu chí lối sống, tác phong; Còn các tiêu chí phối hợp với gia đình HS và cộng đồng, tiêu chí GD qua các hoạt động trong cộng đồng và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, GV đều đạt ở mức trung bình thấp nhất.
Kết quả tự đánh giá của GV về mức độ đạt được ở 25 tiêu chí trong 8 tiêu chuẩn cho thấy: các tiêu chí có tỉ lệ GV đạt mức cao nhất là tiêu chí ứng xử với đồng nghiệp (chiếm 44%), tiêu chí lối sống, tác phong (chiếm 43,3%).
GV đạt mức thấp chiếm tỉ lệ cao ở các tiêu chí: phối hợp giữa nhà trường và gia đình (chiếm 19%) và tiêu chí Tìm hiểu môi trường GD (chiếm 16,8%). Kết quả đánh giá GV của tổ chuyên môn cũng đưa ra những con số tương tự.
Tổng hợp ý kiến của GV và tổ chuyên môn cho thấy GV Trung học hiện nay có những điểm mạnh về những mặt như: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp; Năng lực phát triển nghề nghiệp, có ý thức phấn về chuyên môn (tự học, tự rèn luyện); chuyên môn giỏi; năng lực đánh giá HS; khả năng tìm tòi, sáng tạo trong công việc.
Tuy nhiên, “danh mục” những điểm yếu được liệt kê đã cho thấy có số lượng nhiều hơn so với những điểm mạnh. Có tới 12 điểm yếu được thống kê, đó là: sử dụng các phương tiện dạy học, sử dụng công nghệ thông tin; tham gia hoạt động chính trị, xã hội; phối hợp với các gia đình HS và cộng đồng; xử lý tình huống sư phạm; tìm hiểu đối tượng và môi trường GD; xây dựng môi trường GD; xây dựng môi trường học tập; GD qua các hoạt động khác và các hoạt động trong cộng đồng; phát hiện và giải quyết vấn đề, chưa sáng tạo và linh hoạt trong những hoàn cảnh, điều kiện thay đổi, chỉ thực hiện theo kế hoạch; Lối sống, tác phong (kiềm chế cảm xúc, nóng nảy); khả năng tự phê bình và phê bình; quản lý hồ sơ dạy học; xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học.
Chuẩn nghề nghiệp là cần thiết
Có tổng số 2947 cán bộ, GV tham gia góp ý về nội dung của chuẩn nghề nghiệp GV trung học. Hầu hết các GV (trên 90%) đồng ý với mục đích, cấu trúc, cách diễn đạt và quy trình vận dụng Chuẩn nghề nghiệp GV THPT vào việc đánh giá, xếp loại GV. Chỉ có dưới 13% còn phân vân và không đồng ý chiếm tỉ lệ thấp (dưới 1%) ở tất cả các nội dung. Với nội dung về các thang điểm xếp loại, GV có ý kiến còn phân vân chiếm tỉ lệ cao nhất là 27,3% và không đồng ý chiếm 5,2%.
Những kiến nghị: – Cần giảm nhẹ hơn ở một số mức trong các tiêu chí đánh giá. Các tiêu chí đề ra rất cao so với tay nghề của GV hiện nay. GV có thể đạt được ở mức 2 nhưng khó có thể đạt được mức 3 và mức 4, yêu cầu loại khá, xuất sắc là khó. Mức độ 1 các tiêu chí đánh giá cần nhẹ hơn để mỗi SV sư phạm ra trường có thể đạt yêu cầu tối thiểu mức độ 1. – Cần có sự phân biệt rõ hơn giữa các mức đánh giá; – Cần diễn đạt các mức độ tiêu chí rõ ràng và cụ thể hơn, mỗi tiêu chí nên có diễn giải cụ thể, các tiêu chuẩn giải thích rõ hơn cho từng tiêu chí; – Nên có chuẩn cụ thể cho từng vùng miền, từng loại GV, cán bộ quản lý – Minh chứng cần rõ ràng hơn và yêu cầu GV nộp nguồn minh chứng cho ban giám hiệu trước khi đánh giá; – Cần điều chỉnh lại cách xếp loại, đánh giá. Mức điểm giữa loại trung bình đến khá và khá đến xuất sắc quá rộng; – HS, hội đồng GD và phụ huynh cần được tham gia đánh giá GV. |
Bà Trần Thị Hà- Phó giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh cho biết: Qua thực tế kiểm tra việc tổ chức triển khai thí điểm của trường và tiếp xúc với cán bộ quản lý trường THPT, GV được tham gia thí điểm cho thấy: nhìn chung, cán bộ quản lý trường học rất phấn khởi và tâm đắc với Bộ Chuẩn nghề nghiệp GV trung học đang thực hiện thí điểm. Vì họ nhận thức được rằng đó chính là bộ công cụ giúp cho công tác quản lý đội ngũ mà đặc biệt là về chất lượng toàn diện của đội ngũ GV có hiệu quả thay cho cách đánh giá nặng về cảm tính từ trước đến nay. Đồng thời cũng qua đó mà nhà trường sẽ cụ thể hoá được công tác đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ GV ngày càng có chất lượng hơn, đáp ứng nhiệm vụ dạy học và giáo dục HS.
Cũng theo bà Hà: về phía GV tham gia thí điểm lúc đầu còn e ngại trước những nội dung của 25 tiêu chí thuộc 8 tiêu chuẩn của bộ chuẩn nghề nghiệp. Thực chất lâu nay trong quá trình dạy học, GV chỉ quan tâm đến việc dạy học, ít quan tâm đến nhiệm vụ GD và các hoạt động GD khác nên khi so sánh bản thân với chuẩn thì có nhiều bất cập về phía năng lực của GV và các GV có lo lắng khi được chọn tham gia thí điểm… Tuy nhiên, sau khi tập huấn, được quán triệt mục đích ban hành và thực hiện chuẩn trong đánh giá GV thì họ cũng đã nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia các hoạt động của quá trình thực hiện các công việc thí điểm đánh giá.
Bà Hà cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần sớm hoàn chỉnh Bộ chuẩn nghề nghiệp GV trung học để giúp cho các sở và nhà trường có điều kiện thuận lợi hơn trong xây dựng và quản lý đội ngũ GV.
Bà Cầm Thị Kiểu- Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La góp ý: đánh giá, xếp loại nên gắn liền với mục đích xét thi đua sẽ có ý nghĩa thúc đẩy sự phấn đấu, thi đua của GV. Đồng thời, cần bổ sung thêm nguồn minh chứng với nội dung sử dụng văn bằng, chứng chỉ tại các lớp bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn và cụ thể ở từng tiêu chí.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ GD&ĐT thì hầu hết các ý kiến góp ý đều cho rằng việc triển khai đánh giá năng lực nghề nghiệp của GV là cần thiết và cấp bách, đề án chuẩn GV được triển khai sẽ trở thành một cuộc cách mạng trong ngành GD có tác động làm thay đổi diện mạo của ngành. Tuy nhiên, Chuẩn cũng cần quan tâm về chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Nên có chuẩn cụ thể cho từng vùng miền, chức năng, nhiệm vụ của từng loại GV. Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể và thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp GV.
Bên cạnh đó, cần có những lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt của GV ở vùng sâu, vùng xa cũng như tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất đẩy đủ để đảm bảo cho điều kiện dạy và học ở các vùng khó khăn, giúp GV vùng sâu, vùng xa dễ phấn đấu đạt chuẩn.
Mai Nguyễn
(Theo gdtd.com.vn)
Bình luận (0)