Công nghệ tiên tiến đốt rác để tạo ra điện năng (WtF) vừa được giới thiệu hôm qua ở Hà Nội.
Theo ông Gartner, chuyên gia người Đức từng làm việc trong lĩnh vực này từ năm 1989, với công nghệ này, rác kích cỡ lớn như bàn ghế, nội thất đều có thể xử lý được. Nhiệt sinh ra từ rác đốt sẽ được dùng để đốt nồi hơi, do đó không hao tổn điện năng bên ngoài cho xử lý rác.
Bộ phận làm sạch sẽ tẩy khí trước khi ra ngoài, đảm bảo an toàn cho con người. 1.000 kg rác vào lò sẽ thải gần 8.000 kg khí… sạch. Đầu ra quan trọng khác từ kiểu lò này là điện.
Nếu rác không được phân loại tại nguồn, hệ thống xử lý sẽ cắt nhỏ chúng. Sau khi đốt, rác không cháy sẽ lắng xuống thành một loại cặn tro, có thể được tái chế sau hoặc sử dụng trong ngành xây dựng.
Công nghệ biến rác thành điện gặp khó với rác ở Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hằng.
Công nghệ này đã được ứng dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Điển hình ở vương quốc Monaco, nhà máy xử lý rác được đặt ngay giữa khu dân cư, cung cấp năng lượng sưởi ấm cho khu này vào mùa đông và tiết kiệm triệt để chi phí và tổn thất nếu phải vận chuyển điện từ nơi khác tới.
“Rác được xử lý triệt để. Tiền thu về. Điện hòa vào lưới quốc gia. Có vẻ như đã có lối thoát cho rác Việt Nam” – TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VAEC), lạc quan.
Tuy nhiên, rác ở Việt Nam là thách thức lớn với công nghệ tiên tiến. Thách thức đầu tiên, theo các nhà khoa học, là giá cả. GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học VACNE, cho hay, hiện nay để chôn lấp rác ở bãi Nam Sơn (Hà Nội), chi phí đầu tư khoảng 6 USD/tấn. Nhưng nếu áp dụng công nghệ WtE, chi phí đội lên 90 USD/tấn. Chi phí chôn rác khoảng 4 USD/tấn, nhưng đốt bằng WtE mất 60 USD/tấn. Đã thế, điện sản sinh ra từ ứng dụng WtE rất thấp. Đốt 100 tấn rác chỉ tạo ra được từ 1- 2 MW.
Ưu điểm của rác ở Việt Nam được nhiều chuyên gia thừa nhận là chúng được phân loại tại nguồn nhờ đội quân ve chai nhưng, cũng chính vì thế, chất lượng rác thấp, khả năng tạo ra điện kém. TS Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, phân tích: Rác còn lại sau khi được đội quân ve chai phân loại phần lớn là rác hữu cơ, nhiệt trị thấp.
GS Kim Chi đưa ra một lối thoát là các nhà đầu tư có thể vin vào một Nghị định của Chính phủ về miễn thuế cho các doanh nghiệp xử lý rác nếu giảm được khối lượng rác xuống dưới 10%. Đây là con số mà công nghệ WtE có thể làm được.
Ngoài ra, theo phân tích của GS Chi, xây nhà máy công suất càng lớn thì chi phí càng giảm. Cụ thể, chi phí đầu tư cho nhà máy 2.000 tấn rác/ngày chỉ bằng 1/4 so với nhà máy xử lý 100 tấn rác/ngày. Do đó, nếu áp dụng công nghệ WtE ở Việt Nam, chỉ nên áp dụng ở các khu kinh tế trọng điểm, đông dân cư, lượng rác nhiều, như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
TS Trần Thanh Phương, Ngân hàng Thế giới (WB), cũng gợi ý: Xử lý rác thải dân dụng, dân sinh chắc chắn được vay ưu đãi với lãi suất bằng không. Việt Nam hiện nay đã thoát khỏi danh sách nước nghèo, nhưng vẫn còn 5 – 6 năm nữa được vay ưu đãi. “Đây là thời điểm Việt Nam nên tận dụng vay để đầu tư công”, TS Phương nhấn mạnh.
Theo thống kê, năm 2012 Hà Nội sẽ hết chỗ đổ rác. Lượng rác tăng trung bình tại Hà Nội là 15%/năm, tổng lượng chất thải rắn khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác. Tuy nhiên, 98% rác vẫn được chôn lấp, công nghệ xử lý thô sơ nên phát sinh vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng từ nước rỉ rác.
|
Mỹ Hằng / TPO
Bình luận (0)