Theo chuyên gia tâm lý, phụ huynh nên dạy trẻ ý thức tự lập từ khi còn bé
|
Do quá nuông chiều con mà nhiều phụ huynh phải “kêu trời” vì con cái dần lớn, ngoài việc chỉ biết đòi ăn thì không biết tự lo cho mình, buộc cha mẹ phải hầu hạ phục vụ.
Bực mình vì phải… hầu con
Chị Hạnh ở quận 10 (TP.HCM) vừa đi làm về thì cậu con trai 10 tuổi đã được ba đón về. Chưa kịp bước vào nhà, chị đã nghe tiếng la lối như ra lệnh của con vọng ra từ nhà tắm: “Lấy khăn và quần áo cho con coi”. Chồng chị vội vàng đáp ứng nhu cầu sau những tiếng đấm cửa ầm ầm của cậu quý tử. Ra khỏi nhà tắm, cậu nhanh chân sà vào bàn, giật lấy iPad của ba để chơi game. Chị Hạnh nhắc con bỏ quần áo dơ vào máy giặt nhưng cậu bé “đốp” ngay: “Con không thích”. Bực quá chị Hạnh vừa mắng vừa quất vào mông con mấy cái.
Theo lời chị Hạnh, do thời gian sống chung với gia đình chồng quá dài, được ông bà nội cưng nên con chị ngoài việc đòi ăn và chơi game, còn lại tất thảy đều “không thích và không làm”. “Ăn cơm phải đút cho nó mới chịu. Tắm phải có người lấy khăn và mặc quần áo. Học phải có người soạn thời khóa biểu, soạn sách vở. Muốn nó học bài phải hứa cho cái này cái kia. Thậm chí nó đi tiểu cũng phải có người vào cởi quần. Nhiều lúc tôi muốn phát điên với con”, chị Hạnh cho biết.
Không “quá đáng” như con chị Hạnh, nhưng những biểu hiện lười nhác của bé Su nhiều khi làm chị Khanh (ở quận 11) ngán tới cổ. Bất kể làm gì, chị cũng phải dõi theo để dọn dẹp cho con. Mỗi lần đi học về, bé Su ném quần áo vừa thay ra salon hay bất cứ chỗ nào em thấy tiện tay. Ăn kẹo xong em xả rác ngay ra nền nhà hoặc ở bàn học. Thậm chí cậu bé 8 tuổi này còn bắc ghế cao để tiểu tiện ở bồn rửa chén vì… từ nhỏ cậu đã quen được người lớn cho tiểu ở đây.
Để quần áo, giày dép, sách vở lung tung; không khi nào tự giặt quần áo; không biết ủi đồ, không biết rửa chén, lau nhà hay phụ mẹ nấu cơm… là khiếm khuyết của Minh Anh, một nữ sinh đang học lớp 9 ở quận 3. Hậu quả của ngày hôm nay là do cha mẹ quá nuông chiều em. “Vợ chồng tôi đều là giáo viên, nhưng xem ra giờ không uốn nổi con mình. Hồi con còn nhỏ, chúng tôi đã không cho con đụng tay vào bất cứ việc gì, vì nghĩ để con tập trung toàn thời gian vào việc học. Nay con gái lớn rồi mà không biết làm gì cả. Ngẫm lại chúng tôi thấy mình quá sai vì từ lối thương con sai cách mà làm cho nó bây giờ sống ỷ lại vào người khác”, bà H. – mẹ Minh Anh – than với chúng tôi. Nghĩ là mình đã “hết cách” nên vợ chồng bà H. đang bàn tính sang năm sẽ cho con vào trường nội trú để mong chuyện uốn nắn con còn kịp.
Cần sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình
Cô Nguyễn Thị Kim Ngân – giáo viên một trường mầm non ở quận 10 (không muốn nêu tên trường) – nói rằng mô hình trường bán trú hoặc nội trú hiện nay là một trong những cách giúp trẻ dần đi vào nề nếp, bớt tính ỷ lại vào người lớn và môi trường này phần nào giúp trẻ hình thành tính tự lập, buộc phải tự lo cho bản thân vì không có người thân bên cạnh để “sai khiến” hay dựa dẫm.
Đưa trẻ vào nề nếp từ nhỏ cũng chính là cách dạy trẻ tự lập hiệu quả.
|
Theo cô Kim Ngân, môi trường mầm non và tiểu học là nơi tập dần cho trẻ tính ngăn nắp, biết cách tự chăm sóc bản thân và cũng tập cho trẻ dần làm quen với việc nhà. Nhiều trẻ khi đi học về hay đòi quét nhà, tự xúc cơm ăn, thích rửa chén, nhặt rau… Đưa trẻ vào nề nếp từ nhỏ cũng chính là cách dạy trẻ tự lập hiệu quả. Tuy nhiên, để việc giáo dục trẻ đạt hiệu quả tốt nhất, phụ huynh cần báo cho giáo viên biết để cùng phối hợp trong việc dạy trẻ, rèn các kỹ năng, tránh trường hợp trẻ “đối phó” khi ở trường thì ngoan, khi về nhà thì lại y như cũ.
Bàn về vấn đề này, chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tư vấn Tâm lý trẻ) lưu ý rằng để con tự lập từ ở nhà, ra đường cho đến lớp đòi hỏi ba mẹ hợp tác nhiều. Không phải hét to “con tự lập đi” là trẻ tự lập ngay. Một trong những cách giúp trẻ tự lập là phải giao việc. Khi giao việc, ba mẹ cũng giao một cách cụ thể, quy định thời gian hoàn thành (tránh trường hợp con lánh việc). Ba mẹ kiên quyết không làm thay việc cho con vì như vậy sẽ phản tác dụng.
Tuy nhiên, bà Minh Huệ lưu ý, các bậc phụ huynh không nên lo cho con cái một cách thái quá, vì như thế trẻ rất dễ bị phụ thuộc. Trong cuộc sống sẽ có lúc con phải ở nhà một mình, đi cắm trại cùng bạn bè, du học… và chắc chắn không bố mẹ nào muốn thấy cảnh con mình khổ sở khi không thể tự phục vụ bản thân.
Tóm lại, để dạy con tính tự lập, cha mẹ nên có những hướng dẫn, gợi mở về những việc cụ thể cho con từ việc đơn giản như rửa bát, phơi quần áo, sắp xếp đồ đạc đến tặng quà, tiếp khách… Từng bước nhỏ như thế thì trẻ mới thật vững vàng tự lập.
Bài, ảnh: Bích Vân
Ba mẹ nên song hành cùng con
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ, hầu hết phụ huynh ít khi nào an tâm để con tự quyết định vì ba mẹ có thể dự đoán được những việc không hay nếu con làm. Nhưng đôi khi suy nghĩ của phụ huynh lại “chạy” không kịp suy nghĩ của con cái. Vì vậy, việc giao quyền quyết định cho con cũng là cách hướng con đến con đường tự lập. Tuy nhiên, không phải giao quyền là để mặc con làm gì thì làm. Ba mẹ nên song hành cùng con để biết khi nào con “lệch đường ray” thì chỉnh vào đúng hướng.
|
Bình luận (0)