Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 9-2014 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,62% so với cùng tháng năm 2013.
Trong tháng, theo lộ trình điều chỉnh học phí của các tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ số giá nhóm giáo dục mà chủ yếu là học phí đã tăng rất mạnh (6,38%) so với tháng trước được coi là nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá chung của cả nước. Ngoài ra, giá cả của các nhóm hàng trọng yếu khác tăng thấp. Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất, cũng chỉ tăng 0,22%, bằng 1/3 mức tăng của tháng trước. Trong đó, lương thực tăng 0,35%, thực phẩm tăng 0,21% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15%. Hai nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước, chất đốt và nhóm giao thông giảm giá, chủ yếu do giá bán lẻ các mặt hàng thiết yếu như gas, xăng dầu các loại đồng loạt được điều chỉnh giảm. Như vậy, sau 3 quý của năm 2014, CPI mới chỉ tăng 2,25%, gần bằng 1/3 mục tiêu kế hoạch lạm phát của năm. Đây là mức tăng thấp nhất cùng kỳ trong 12 năm trở lại đây.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, sau 9 tháng năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 216,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 109,6 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 107,2 tỷ USD. Như vậy, mặc dù nhập siêu ở mức 0,6 tỷ USD trong tháng 9 nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2014, kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó khu vực FDI xuất siêu 12,7 tỷ USD, còn các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD.
ANH PHƯƠNG
(SGGP)
Bình luận (0)