Ngày 25-9, hội thảo Triển khai Nghị quyết 19 về đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức diễn ra tại TPHCM.
Theo đó, một trong những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành ngày 18-3-2014 trong giai đoạn 2014 – 2015, nước ta tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp (DN), giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu và 13 ngày đối với nhập khẩu để bằng mức trung bình của các nước ASEAN hiện nay.
Theo ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Pháp lý, thể chế và năng lực cạnh tranh Dự án USAID GIG, Việt Nam đang đứng ở vị trí 65 về mức độ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại biên giới trong khi trung bình của các nước ASEAN 6 là vị trí 28. Thời gian làm thủ tục xuất khẩu và nhập khẩu ở Việt Nam cho một container hàng mất khoảng 21 ngày trong khi thời gian này của ASEAN 6 là 14 ngày và thời gian làm thủ nhập khẩu là 13 ngày. Theo tính toán của USAID GIG, nếu giảm được 1 ngày làm thủ tục xuất nhập khẩu thì sẽ tiết kiệm cho DN 1,6 tỷ USD và tạo ra 1,7 triệu việc làm mới.
Qua khảo sát cho thấy còn nhiều bất cập như danh mục quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá là quá nhiều và chưa mô tả rõ ràng; có từ 60% – 80% danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành là quá nhiều; quy định quản lý giữa các bộ, ngành chồng chéo, cách thức lại không thống nhất nên gây khó khăn, lãng phí cho DN…
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam không xử lý được những vấn đề nội tại của nền kinh tế, sẽ không thể thúc đẩy tăng trưởng. Đã đến lúc Việt Nam cần nhanh chóng đơn giản hóa thủ tục hải quan. Đặc biệt là đẩy mạnh việc cho phép nộp và xử lý hồ sơ điện tử, kết nối các cơ quan thông qua cơ chế một cửa duy nhất; vượt qua các rào cản về địa lý để hướng tới sự hợp tác trong khu vực và tăng cường minh bạch để giảm chi phí.
THÚY HẢI (SGGP)
Bình luận (0)