Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xin đừng mơ ước giùm con!

Tạp Chí Giáo Dục

Định hướng cho cuộc đời con trẻ không phải là ngăn cấm và triệt tiêu mọi mong ước của trẻ, bởi sự can thiệp thô bạo và thiếu tinh tế chỉ làm lụi tàn khát vọng phấn đấu.

Một đứa trẻ lớn lên không có niềm đam mê, ước vọng thì cuộc đời sẽ tẻ nhạt và vô vị dường nào!
Mỗi lần ngồi trước màn hình xem chương trình So you think you can dance, chị Nguyễn Thanh Huệ (30 tuổi) lại nhớ về những cảm xúc ngày nào với niềm luyến tiếc khôn nguôi. Khi còn là cô bé sáu tuổi, được xem chương trình khiêu vũ quốc tế, chị đã mơ ước lớn lên sẽ trở thành vũ công, nhưng niềm đam mê đó bị mẹ dập tắt một cách mãnh liệt với quan niệm học mới là quan trọng và có tương lai, còn chuyện nhảy nhót chỉ làm “hư thân mất nết” mà thôi!
Một trường hợp khác, Lê Minh Hoài, 18 tuổi, trong giờ học ngoại khoá định hướng nghề nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng: “Em thật sự không biết mình học để làm gì, mình có ước muốn gì. Thôi thì cuộc đời muốn đến đâu thì đến, em chẳng cần định hướng gì cả!”. Qua bạn bè em, chúng tôi mới biết trước đây Hoài từng đam mê trở thành huấn luyện viên khiêu vũ. Hoài rất có năng khiếu, chỉ cần xem qua trên mạng vài lần là em có thể tự tập những bước nhảy điêu luyện. Nhưng từ khi gia đình biết được mơ ước của em, Hoài phải hứng chịu những lời mắng chửi của ba mẹ. Một lần tranh luận với ba mẹ, khi em cương quyết bảo vệ ý kiến của mình, giá phải trả là cái máy tính của em bị đập vỡ tan tành. Kể từ đó em chẳng còn hứng thú gì trong học tập.
Có một ước mơ để đeo đuổi và phấn đấu sẽ giúp chúng ta tìm thấy được giá trị của cuộc sống bản thân. Thật đáng tiếc cho một người sống mà không biết được mục tiêu phấn đấu của bản thân. Chỉ khi dám mơ ước và theo đuổi, niềm đam mê sẽ thôi thúc mỗi người thể hiện hết khả năng của mình để chạm đến thành công. Điều tồi tệ nhất là đánh mất ước mơ và niềm tin. 
Nghề nghiệp là một phần cuộc đời mỗi người, nhiều bậc cha mẹ do muốn con có một tương lai tốt đẹp nên thường bắt ép con cái phục tùng ý kiến mình; họ hay chỉ trích những ước mơ của con với những đánh giá cảm tính chủ quan mà không xét đến sở thích, hứng thú, năng khiếu… của trẻ. Trẻ càng nhỏ càng nhiều ước mơ, nhiều mong muốn và những suy nghĩ đó của trẻ cũng sẽ biến đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Sự gần gũi, sẻ chia và đồng cảm với trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể lèo lái con mình đi đến một quyết định đúng đắn. Những suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con cái, có thể khiến đôi khi cha mẹ vô tình trở thành người đánh cắp ước mơ của con, áp đặt trẻ thực hiện những ước mơ mà mình chưa thực hiện được. Đừng bắt bé phải thay đổi ước mơ chỉ vì mơ ước đó không phù hợp với mong muốn của cha mẹ. Chẳng ai có thể thực hiện tốt giấc mơ của người khác.  
Hãy lắng nghe và tìm hiểu ước mơ của con để có thể vun đắp hay điều chỉnh một cách nhẹ nhàng. Hãy chắp cánh cho trẻ vươn tới ước mơ để bay thật xa, thật vững vào đời.
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh

Không nên áp đặt ước mơ của trẻ bằng mong muốn của ba mẹ
Dương Ngọc Thảo (lớp 12 chuyên THPT Củ Chi, TP.HCM) 
Em có rất nhiều ước mơ nhưng trước giờ em ít chia sẻ với ba mẹ. Năm nay em học 12 nên ba mẹ bắt em phải trình bày ước mơ, dự định cho ba mẹ biết. Em thích ngành truyền thông, nhưng ba mẹ em không hài lòng lắm, ba muốn em làm bác sĩ, còn mẹ muốn em làm giáo viên. Ôi! Toàn những nghề cao quý, em không thích hợp và không đủ khả năng. Em phải thuyết phục nhiều, ba mẹ mới đồng ý cho em thực hiện ước mơ của mình. Về ước mơ nghề nghiệp của em thì cũng tạm ổn. Còn ước mơ khác: từ nhỏ em muốn được học đàn piano nhưng ba mẹ cho rằng không cần thiết, đến giờ em vẫn chưa được cho phép. Em không biết thuyết phục ba mẹ thế nào, đành chờ học phổ thông xong, mọi thứ ổn định em sẽ tự thực hiện ước mơ mình. 
Tuổi trẻ có ước mơ thì mới có lý tưởng để phát triển. Định hướng của ba mẹ để chúng em cân nhắc đúng đường, không lệch lạc, chứ không nên áp đặt ước mơ của trẻ bằng những mong muốn của ba mẹ. Vì đã không yêu thích, đam mê thì không “dám” làm tới cùng, không đủ ý chí để đi đến kết quả. 
Hạnh phúc nhất là được sống với ước mơ của mình
Phố Kì Long (lớp 12A2 trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM) 
Em muốn trở thành một nhà nghiên cứu hoá học trong tương lai. Em đã chia sẻ ước mơ với ba mẹ. Em rất hạnh phúc vì ba mẹ rất hiểu mong ước của em chứ không định hướng em theo ngành nghề gia đình đang làm. Ba mẹ luôn luôn yêu thương và muốn em có một tương lai tươi sáng, nhưng em nghĩ bản thân tự ước mơ và cố gắng thực hiện sẽ tốt hơn.
Ai cũng có ước mơ cho riêng mình. Điều hạnh phúc nhất là mỗi người đều được sống với ước mơ của mình. Có một số bạn ước mơ xa thực tế một chút như được làm phi hành gia, được lên vũ trụ… nhưng em nghĩ điều đó rất đáng quý, và biết đâu trong tương lai các bạn thực hiện được thì sao?
Ba mẹ đâu thể sống cuộc đời của em
Vũ Thị Phượng Liên (lớp 12A7 THPT Lộc Ninh, Bình Phước)
Em mong ước sẽ trở thành một nhà sinh vật học vì em rất yêu động vật. Em sẽ nghiên cứu các loài khác nhau, sẽ lập ra các trung tâm bảo tồn và các vườn quốc gia. Mỗi khi nhìn thú nuôi bệnh, em rất buồn, chỉ muốn chữa cho chúng nhanh khoẻ. Nhưng ba mẹ không muốn em đi theo ngành học này. Mẹ muốn em làm cô giáo cho nhàn hạ và ổn định, còn ước mơ của em thì mẹ cho là viển vông quá. Em nghĩ, tuy em còn nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nhưng em biết mình thích gì và mong muốn làm gì nhất.
Bị ba mẹ ngăn cản, em rất buồn nhưng sẽ cố gắng thuyết phục ba mẹ. Sau này em sẽ nuôi thật nhiều thú cưng và chăm sóc chúng. Em tập chăm các bé chó, mèo ở nhà để ba mẹ nghĩ lại. Bởi vì, ước mơ của em thì em phải nắm lấy và thực hiện chứ ba mẹ đâu thể sống cuộc đời của em được. Tuy vậy, em vẫn tâm sự với ba mẹ về ước mơ của mình để ba mẹ hiểu em hơn. Vì ba mẹ em tuy khó tính nhưng rất thương các con, chỉ cần chứng minh mình làm tốt thì chắc chắn ba mẹ sẽ đồng ý
Ý Nhi (ghi)
 Theo SGTT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)