Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mục tiêu GDP tăng 5,8% là khả thi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 30-9, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 đã kết thúc tại Hà Nội sau khi thảo luận và cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng.

Phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế quý 3 cao hơn quý 1 và quý 2; tính chung 9 tháng ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với tháng 12-2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dự báo cả năm cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong đó khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% là khả thi. Kết quả đạt được theo đánh giá của Chính phủ là khá toàn diện theo hướng ổn định, vững chắc, hiệu quả hơn; đà tăng trưởng phục hồi rõ nét và đồng đều hơn.

Tuy nhiên, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tổng cầu còn yếu, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nợ xấu còn cao; cân đối ngân sách khó khăn, chi thường xuyên ở mức cao và có xu hướng tăng; tái cơ cấu còn chậm, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp… Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được chủ quan, thỏa mãn; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra với tinh thần năng động, sáng tạo, sâu sát. “Tăng trưởng theo mục tiêu 5,8% là khả thi, song chúng ta không dừng lại ở đây, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, nếu đạt được 6% thì quá tốt… Đạt 6% ở đây cũng là đạt vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là ổn định vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có phương án đánh giá lại toàn bộ nợ công, khả năng trả nợ ra sao, đề xuất giải pháp xử lý nợ công. Cùng với đó là quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu trên tinh thần không sử dụng ngân sách nhà nước vào xử lý nợ xấu. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả nợ xấu, tham gia cùng doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu, có phương án xử lý hiệu quả đối với nợ xấu đã mua và tiếp tục mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Chúng ta phải nhìn cái được để khẳng định. Cái không được cũng phải nói rõ, không bôi đen, phải thấy hướng xử lý thế nào để tốt hơn. Tránh nói hai cực, hai phía; một phía cứ nói là tệ hại quá, quá tệ hại, ngày càng tệ hại; có hướng lại tô hồng lên, cho như vậy mình là nhất rồi… – Thủ tướng nói.

Sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe tờ trình của Bộ GTVT về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án. Theo đó, các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư dự án. Thủ tướng giao Bộ GTVT hoàn thiện tờ trình, thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Thủ tướng yêu cầu tờ trình cần nói rõ hơn sự cần thiết của dự án (tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa); quy mô, hiệu quả dự án, nguồn vốn cho dự án (có ảnh hưởng đến nợ công hay không)…

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối qua 30-9, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là một dự án thuộc loại quan trọng quốc gia nên phải trình Quốc hội xem xét quyết định dù Hội đồng thẩm định quốc gia đã thông qua dự án. Dự án được thực hiện qua 2 giai đoạn, từ năm 2020 – 2025 với công suất 20 – 25 triệu hành khách/năm; giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2030 nâng công suất lên 60 – 80 triệu hành khách/năm.

Vấn đề được báo chí đặc biệt quan tâm tại buổi họp báo hôm qua 30-9 là sự việc nứt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai ngay sau khi khánh thành. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Các sự cố xảy ra ngoài ý muốn đều có nguyên nhân của nó. Nhà thầu đang thực hiện trách nhiệm của mình, còn Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đang ráo riết thực hiện nhiệm vụ của mình để tìm nguyên nhân cho rõ, lúc đó mới xác định được chính xác. Việc xuất hiện vết nứt ở một con đường không phải chuyện lạ, không phải chỉ có ở Việt Nam. Còn nhìn nhận đó là vô trách nhiệm, hời hợt, tiêu cực hay không thì phải điều tra xác định mới biết được. Bộ trưởng GTVT đã biết điều này nên đã chủ động mời một số báo chí đến để “mắt thấy tai nghe” và trình bày việc bộ đã chủ động chỉ đạo xử lý như thế nào”.

Năng suất lao động Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực

Đặc biệt, tại phiên họp này, Thủ tướng giao Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi Chính phủ thảo luận về vấn đề liên quan. Theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, năng suất lao động của 1 quốc gia được ILO tính theo công thức: lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc”. Theo đó Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN.

LÂM NGUYÊN

(SGGP)

Bình luận (0)