Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Lớp học” thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Việc tổ chức những sự kiện như thế này tạo điều kiện để các bạn SV cọ xát  thực tế trước khi tốt nghiệp

Thay vì chỉ học rồi thuyết trình, thi hết môn như trước kia, giờ đây sinh viên (SV) nhiều trường ĐH tại TP.HCM được tạo điều kiện để thỏa sức sáng tạo, áp dụng kiến thức đã học vào những chương trình lớn, nhỏ do chính các bạn tổ chức.
Thi hết môn bằng… sự kiện
Năm học 2012-2013, SV khóa K03, ngành văn hóa học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) được giao nhiệm vụ kết thúc môn tổ chức sự kiện bằng một tiệc tất niên hoành tráng. Nếu xét về số lượng “trên giấy tờ”, thành viên Ban tổ chức cho chương trình thu hút gần 200 người tham dự này chỉ vỏn vẹn 7 bạn. Tuy nhiên, để mọi khâu suôn sẻ, các thành viên còn lại trong lớp đều chung tay thực hiện. Trong quá trình học tập môn nghiệp vụ nói trên, 65 SV của lớp VVH09 được chia thành những nhóm nhỏ 6-7 người, cùng nhau thuyết trình giới thiệu ý tưởng, hướng đi theo một sườn bài mà giảng viên cho sẵn. Nhóm chiến thắng sẽ dẫn dắt, hướng dẫn các bạn trong lớp cùng thực hiện chương trình. Giao mọi việc lớn nhỏ cho học trò nhưng giảng viên phụ trách môn vẫn theo dõi sát sao để chấm điểm và kịp thời hỗ trợ các em. Theo ThS. Hoàng Xuân Phương, giảng viên môn tổ chức sự kiện Khoa Văn hóa học: “Môn học này rất bổ ích vì nó giúp các bạn SV trau dồi và phát triển những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết”.
Tuy chỉ là tiệc đón xuân nội bộ nhưng “Tết sum vầy, xuân yêu thương” được tiến hành khá tươm tất. Từ nghi thức hái lộc, làm tranh rắn, vẽ thư pháp đến khai rượu, cắt bánh chưng, văn nghệ “cây nhà lá vườn” mừng xuân, mọi thứ đều trang trọng, ấm cúng, hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Điểm nhấn của chương trình chính là buổi tọa đàm “Năm tỵ nói chuyện rắn” với những lý giải thú vị của khách mời là giảng viên trong khoa.
Tham gia chương trình từ đầu đến cuối, Lê Phong Vinh, SV năm nhất Khoa Văn hóa học, cho biết: “Nhìn lại ngày hôm nay, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thiếu sót, nhưng Ban tổ chức đã thật sự mang lại cho mọi người một buổi tất niên đầy ý nghĩa, vui tươi và ấm áp”.
Tự lập cho chương trình lớn
Không đơn thuần là chương trình thi về ý tưởng kinh doanh, “Tôi yêu cà phê Việt Nam” mang quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhiều lần hơn thế. Đây là cơ hội, đồng thời là thử thách để nhóm SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thể hiện năng lực tổ chức, quản lý và quảng bá sự kiện. Trong vòng 5 tiếng (7 giờ 30 đến 12 giờ 30), ngày hội đã thu hút gần 600 lượt khách tham dự, thu về hàng loạt ý kiến phản hồi tích cực. Câu chuyện cà phê Việt Nam và các quốc gia nổi tiếng trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Nhật Bản được lột tả rõ nét bằng tranh ảnh, tư liệu và phương cách chế biến cụ thể. Sau khi tham quan, nếm cà phê tại các gian hàng ở tầng trệt, khách được hướng dẫn lên tầng 1 để tìm hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của hạt cà phê Việt từ khâu canh tác đến chế biến, xuất khẩu. Triển lãm Mindmap và bản đồ Việt Nam minh họa các vùng miền sản xuất bằng hạt cà phê là yếu tố sáng tạo, thu hút của chương trình. Sôi nổi, vui vẻ ở đoạn đầu, kết thúc ngày hội lại là buổi tọa đàm vô cùng nghiêm túc với những vấn đề “nóng” về vị thế hiện tại và hướng đi cho cà phê Việt trong tương lai. Bạn Nguyễn Hoàng Quân, SV năm 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khách tham dự ngày hội chia sẻ: “Chương trình đầu tư rất công phu, ý tưởng hay, nội dung hấp dẫn, nó giúp em mở rộng tầm nhìn về cà phê ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Thực sự mà nói, ngày hội này rất bổ ích với những bạn trẻ quan tâm đến cà phê”.
Là một chương trình “made in SV” nhưng mức độ ảnh hưởng của “Tôi yêu cà phê Việt Nam” khiến nhiều người khâm phục.
“Mục đích của chương trình là giúp các bạn SV có được cái nhìn toàn diện về thực trạng ngành cà phê Việt Nam, từ đó hành động có trách nhiệm hơn. Điều chúng tôi thấy tiếc là sự kiện lần này vẫn chưa truyền tải hết những trăn trở và định hướng cụ thể cho các bạn trẻ trong việc “làm chủ” nền cà phê Việt Nam, con đường phát triển trong tương lai”, thành viên Ban tổ chức Dương Thị Ánh Thời tâm sự.
Bài, ảnh: Mỹ Dung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)