Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy trẻ biết nhận lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ phải là tấm gương về lòng trung thực (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Ít có đứa trẻ nào dám đứng ra nhận lỗi của mình trừ khi cha mẹ “bắt được tận tay và day tận mặt”. Hết đổ thừa người khác rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến trẻ ít khi nhìn thẳng nhìn thật vào lỗi lầm của mình mà sửa chữa.
Đổ tội cho người khác
Không ít người tham dự phiên tòa lưu động được xét xử công khai tại Trường THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM) ngày 22-2 vừa qua, tỏ ra bức xúc khi bị cáo lấy bà ngoại ra làm bình phong, lá chắn để mong thoát tội.
Đang lưu thông trên đường Tô Hiến Thành, thấy anh N. cầm túi xách đi trên đường, H. nảy ý định giật túi xách. H. rủ bạn đi cùng thực hiện ý đồ và ngay lập tức được ủng hộ. Lợi dụng lúc anh N. sơ ý, H. đã cho xe tấp sát và giật túi xách rồi rú ga bỏ chạy. Khi nghe anh N. truy hô “cướp, cướp” lực lượng công an tuần tra gần đấy đã nhanh chóng phát hiện và truy bắt. Chạy vòng vo qua nhiều con đường hòng thoát thân, khi biết không thể thoát, gã bạn đi cùng đã “bỏ của chạy lấy người”, còn H. thì bị bắt. Toàn bộ tài sản cướp được đã giao trả lại cho nạn nhân.
Khi tòa hỏi động cơ dẫn đến hành vi cướp giật, H. đã rụt rè trả lời rằng muốn có tiền tiêu xài. Nhưng khi tòa hỏi lại đang đi chơi với bạn sao không lo đi chơi lại nảy sinh ý định cướp giật thì H. trả lời muốn có tiền cho bà ngoại(?!). “Bà ngoại làm gì?”, tòa hỏi tiếp. H. run rẩy trả lời: “Bà ngoại bán phở và đã già”. Những cái lắc đầu của người tham dự phiên tòa khiến H. chỉ còn biết cúi đầu trước lời “ngụy biện” của mình. Khi tòa hỏi có biết cướp giật là phạm tội, H. đã trả lời rành rọt “bị cáo biết đó là tội”. Biết là tội nhưng sao lại thực hiện? Tòa hỏi. Lúc này H. chỉ biết cúi đầu không nói thêm một lời nào nữa. Sự thật bà ngoại chẳng bảo H. phải đi cướp giật hay trộm cắp hoặc phải cho bà tiền. H. còn khai hàng tháng đều cho tiền bà ngoại, nhưng ngược lại H. chỉ có lấy tiền nhà đi chơi. Được biết, H. có đi phụ hồ được 50 ngàn đồng/ngày nhưng cũng chẳng đủ cho chính mình tiêu xài huống chi là có tiền cho bà ngoại. H. chỉ muốn tranh thủ sự thương cảm về hoàn cảnh của mình hòng giảm nhẹ tội. Nhưng thực chất nó đã phản tác dụng. H. còn làm tăng thêm nỗi đau của ngoại. Một phụ huynh đứng đợi con tại cổng trường khi nghe những lời H. nói ra đã ta thán: “Trời ơi, sao lại đổ tội lên ngoại mình thế? Thật chẳng hiểu nổi…”.
Cha mẹ phải làm gương
“Lỗi này không phải của con, đó là của anh Bin; anh Bin làm vỡ mà…”. Chị Hoa lại quay qua Bin lúc này đang thút thít “Em Bo ném vỡ, chứ không phải con!”. Dù đã biết thủ phạm là ai nhưng chị rất bất ngờ khi con chỉ mới 7 tuổi đã có hành động ngoài sức tưởng tượng của chị.
Chị Hoa nói với con là chị đã biết và nhìn thấy chuyện hồi sáng nay. Sau một hồi phân tích đúng sai, chị kết luận “ai có lỗi thì phải biết nhận lỗi”. Sau đó chị bắt con phải xin lỗi anh trai. Trên đây là chia sẻ của chị Hoa (Q.8) trong một lần chị nhìn thấy đứa con thứ hai đập vỡ cái chậu hoa nhưng lại quay ngoắt đổ lỗi cho anh trai.
Dạy trẻ đối mặt với những việc mình đã làm quả không phải là công việc ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình lâu dài và phải tập từ nhỏ. Đánh trẻ chẳng phải là cách hay. Bắt trẻ úp mặt vào tường cũng chẳng giúp con nhận lỗi. Lờ đi lại là một việc tai hại khiến trẻ càng được nước lấn tới…
Trước tiên chính các bậc cha mẹ phải là tấm gương. Nhiều bậc cha mẹ tự cho mình cái quyền không cần phải nhận lỗi khi mình phạm lỗi. Như khi trẻ chửi thề, đánh bạn thì bắt xin lỗi nhưng khi mình chửi thề… thì lại xem mọi chuyện như không. Trẻ sẽ học từ chính cha mẹ những điều này nên khi bị cha mẹ phạt trẻ sẽ “bật” lại ngay “cha mẹ cũng có xin lỗi đâu mà bắt con xin lỗi”.
Dạy trẻ cách xin lỗi, nhận lỗi. Từ từ nói chuyện để chính trẻ hiểu ra mình đã sai mà chủ động nhận lỗi. Nhưng cũng đừng khép tội và phạt ngay mà hãy động viên “cha mẹ biết con không cố ý” và cho trẻ cơ hội sửa chữa. Trẻ cứ nghĩ phạm lỗi nói xin lỗi là xong, nhưng trên thực tế, nói xin lỗi cũng là một nghệ thuật và phải xuất phát từ tấm lòng đã thật sự biết hối lỗi chứ không phải là chỉ nói “xin lỗi” rồi cho qua tất cả.
Thói quen của trẻ nhỏ sẽ hình thành nên tính cách sau này và đi theo đến hết cuộc đời. Muốn con vào kỉ luật thì phải chỉ bảo khi còn “non”, không nên viện bất cứ lí do gì để cho qua lỗi lầm của con hết lần này đến lần khác. Càng tảng lờ xem như “con nít thì phải nghịch” như ông bà thường nói thì vô tình đang hại con không phân biệt được đúng sai, không có trách nhiệm với việc làm của mình.
Khánh Đan
Giúp trẻ biết phân biệt đúng, sai
Nếu cha mẹ và trẻ đã có những quy ước về hình phạt trước đó rồi thì cứ làm đúng theo quy ước đã đặt ra. Đừng quá nuông chiều khiến trẻ trở nên ích kỉ. Thiên vị cũng chính là con dao hai lưỡi khiến trẻ trở nên ỷ lại vì có người bao che mà càng lộng hành. Cha mẹ phải là vị “quan tòa” công tư phân minh cho trẻ thấy lỗi lầm mình gây ra nguy hiểm như thế nào.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)