Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trồng bắp, vẽ thiệp và xây dựng thương hiệu mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nhân câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC và hơn 700 sinh viên trường đại học Bách khoa Đà Nẵng hôm 25.4 làm bật lên một câu chuyện thú vị: sinh viên sẽ đầu tư ngay từ khi ngồi trên giảng đường như thế nào để có thể trở thành những người làm việc hiệu quả và thành công cũng như nuôi dưỡng ước mơ gầy dựng những thương hiệu tầm cỡ của mình.

Sinh viên rất tích cực đặt câu hỏi. Ảnh: BN

Ông Lâm Văn Hải, phó tổng giám đốc công ty PepsiCo Việt Nam bắt đầu bằng một câu hỏi: “Có hai từ, mà chỉ cần làm chủ nó thực sự, thì khả năng thành công được gia tăng rất cao trong cuộc sống và công việc, xin đố là hai từ nào?” Kiên trì, học hỏi, đột phá… rất nhiều giải pháp được các bạn sinh viên cung cấp nhưng đáp áp cuối cùng là “dấn thân” và “đam mê”. Đó chính là bí quyết để người cán bộ Đoàn năm xưa, người nhân viên bán hàng cấp thấp có thể từng bước, từng bước phát triển và hai lần giành giải thưởng “Người bán hàng giỏi nhất thế giới” của tập đoàn đa quốc gia này.

Chia sẻ góc nhìn này, hoạ sĩ Sỹ Hoàng, đại sứ hàng Việt minh chứng thêm bằng chính cuộc đời của mình: “Tôi cho rằng chúng ta phải biết tối ưu hoá quỹ thời gian trong nhà trường của mình bằng cách đào sâu những môn học mà mình cho rằng phù hợp với hướng phát triển của bản thân, cũng như chúng ta phải đi làm việc bên ngoài trong cùng một ngành nghề mà mình theo đuổi. Tôi nhớ ngày xưa, khi mọi người làm những việc khác nhau để kiếm tiền như phục vụ, tiếp thị… thì tôi chọn giải pháp vẽ thiệp, vẽ quần áo để bán kiếm tiền. Ở không gian này, tôi được tiếp xúc với những người thầy, được cọ xát và rèn giũa nghề nghiệp của mình. Tôi luôn nhấn mạnh chúng ta cần phải biết đầu tư ngay từ bây giờ”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch công ty Vinamit, thì chọn từ “ý chí” để nói về hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp của mỗi người, dù ở bất kỳ cương vị nào. Ông cho rằng, đừng nghĩ rằng “khởi nghiệp” là phải ra làm chủ, làm giám đốc, mà cần phải làm từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Ông nhớ lại câu chuyện của người thầy từng bảo ông ra vườn trồng bắp, để hiểu rằng một hạt bắp gieo xuống đất, chịu khó vun trồng thì sẽ tạo ra hàng ngàn hạt bắp khác. Ông kết luận: “Nếu chúng ta không bắt đầu và hoàn thành tốt những công việc nhỏ nhất, thì sẽ chẳng thể hoàn tất những việc lớn lao mà chúng ta hay mơ tưởng”. Người doanh nhân chọn con đường gắn liền với nông nghiệp Việt Nam này còn chia sẻ thêm yêu cầu lớn nhất của mình khi tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới: người lao động giỏi là người phải đứng trên đôi chân của ông chủ, tức là phải biết đặt mình vào vị trí người làm chủ để biết tiếc từng chi phí một, biết đấu tranh với từng việc nhỏ nhất để mang lại hiệu quả cho công ty”.

Cuối buổi giao lưu đầy hứng khởi này, ông Viên còn đưa ra kỳ vọng: “Các bạn hãy nuôi dưỡng những ước mơ lớn bằng việc đầu tư ngay từ ngày hôm nay, và hãy giúp chúng tôi tạo dựng lại những thương hiệu lớn của Việt Nam sau khi chúng ta bị mua mất nhiều công ty, nhiều thương hiệu quá…”

Theo SGTT.VN

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)