Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trang bị kỹ năng sống cho học sinh bậc THCS: “Mặt trận” còn bỏ ngỏ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

ThS. Nguyễn Hữu Long đang giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.3

Tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh (HS) phạm pháp ngày càng gia tăng và mức độ nghiêm trọng đã đến mức báo động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân là do các em chưa được trang bị các kỹ năng sống (KNS) cần thiết.
Đó chính là lý do để ThS. Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM) thực hiện đề tài “Kỹ năng sống của HS THCS TP.HCM”. Đề tài đã khảo sát 150 HS Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3), 30 GV chủ nhiệm Trường THCS Tân Kiên (huyện Bình Chánh) và THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3), 20 giảng viên Khoa Tâm lý, giáo dục (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn và Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM).
KNS cho HS: Gia đình, xã hội, nhà trường đều bỏ quên
Theo đánh giá của các em HS, có 5 nhóm KNS được coi là rất cần thiết cho các em, đó là nhóm kỹ năng đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống; nhóm kỹ năng giao tiếp và ứng xử với các mối quan hệ; nhóm kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời; nhóm kỹ năng tự nhận thức và cuối cùng là nhóm kỹ năng hợp tác và chia sẻ.
ThS. Nguyễn Hữu Long cho biết, qua khảo sát anh nhận thấy có sự khác biệt giữa các nhóm HS: với những HS có tham gia hoạt động ngoại khóa một cách đều đặn thì KNS của các em được nâng cao một cách đáng kể; những HS có kết quả học tập từ loại khá trở lên là đối tượng biết cách sắp xếp, điều chỉnh và quản lý thời gian một cách hiệu quả giữa học tập, vui chơi và rèn luyện nên các em suy nghĩ vấn đề đơn giản hơn. Còn nhóm HS có kết quả ở mức trung bình trở xuống thì đây là việc làm hết sức khó khăn, các em lúng túng trong việc quản lý cuộc sống của mình nên cảm thấy rất cần được trang bị các KNS.
Tác giả đề tài cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thuộc về gia đình, xã hội và nhà trường. Đối với gia đình và xã hội, ba nguyên nhân được các em rất quan tâm, đó chính là trò vui ở ngoài quá nhiều (34%), không hòa hợp với người lớn (28%) và tự tìm hiểu (27%). Đối với nhà trường, tác giả nhận thấy rằng hầu hết các trường đều chưa có thầy cô chuyên trách giảng dạy môn học KNS, lịch học hiện quá nhiều, chưa có bộ chuẩn về KNS… Ngoài ra, do khối lượng kiến thức trong SGK phải hoàn thành quá nhiều nên GV không đủ thời gian để lồng ghép hay tích hợp nhằm rèn luyện KNS cho HS. Mặt khác, chính bệnh thành tích (điểm số, lên lớp, đậu 100%…) đã trở thành gánh nặng tâm lý khiến các em không còn thời gian rèn luyện một cách đầy đủ nhân cách và đã có những hành vi lệch chuẩn…
Giải pháp tăng cường KNS cho HS
Thông qua việc khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng KNS của HS chưa cao, tác giả thực hiện đề tài “Kỹ năng sống của HS THCS TP.HCM” đã đề xuất 6 biện pháp giúp HS hình thành KNS, đó là thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường ở các trường học, thiết kế nội dung giáo dục KNS thành các chủ đề để báo cáo trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa hay biện pháp lồng ghép trong giờ sinh hoạt GV chủ nhiệm…
Cụ thể, đối với xã hội, tác giả cho rằng cần kiến tạo môi trường trong lành về mặt tự nhiên và an bình về mặt xã hội là cách giúp HS tránh xa những tệ nạn xã hội. Cần có những sân chơi phù hợp với lứa tuổi học đường để các em được sống trong cảm giác hồn nhiên và hình thành nên những tình cảm tích cực có lợi cho cuộc sống của các em… Đối với ngành GD-ĐT, cần lưu ý đến việc xác định mức độ phù hợp của các KNS dành riêng cho từng độ tuổi, xác định danh mục các KNS và phân chia thời gian trong chương trình đào tạo. Cần tăng cường lồng ghép việc dạy làm người trong tất cả các môn học, thiết kế những môn chuyên biệt chuyên dạy làm người và môn học KNS cũng là một trong những môn dạy làm người rất hiệu quả. Vì thế, phải đầu tư cho đội ngũ chuyên nghiên cứu về tâm lý học đường, giá trị sống, KNS để thiết kế chương trình, bài giảng và xây dựng đội ngũ chuyên trách để tham gia giảng dạy, tư vấn cho HS về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của các em. Đối với nhà trường, việc biên chế hay tổ chức hẳn những giờ dạy về KNS là một việc làm hết sức khó khăn vì thế mỗi trường nên tận dụng một số giáo viên có kỹ năng trò chuyện, giao tiếp, nói chuyện trước đám đông… tạo điều kiện để họ có cơ hội tham gia những khóa tập huấn hay tự học các kiến thức liên quan đến HS như: tâm lý giới tính, sức khỏe, KNS… để có thể tự thành lập câu lạc bộ tư vấn tại trường học giúp HS, hay lồng ghép nội dung giáo dục KNS trong các hoạt động ngoại khóa, giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Ngoài ra nhà trường có thể liên hệ với đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý hay những chuyên gia nghiên cứu về KNS đến trường tổ chức các buổi tư vấn, trò chuyện với HS…
Gia đình chính là cái nôi để hình thành nhân cách cho HS, vì thế cha mẹ cần học cách làm bạn cùng con để hiểu con mình hơn và đưa ra những lời khuyên hay những định hướng để giúp con mình hoàn thiện nhân cách một cách tốt hơn. Đồng thời, ý thức ở mỗi HS mới là quan trọng. Mỗi HS hãy học cách tự rèn bản thân để biết ép mình vào kỷ luật, đưa mình hòa nhập vào nội quy của trường lớp cũng là biện pháp hữu hiệu để hình thành và phát triển KNS thông qua con đường trải nghiệm.
Dương Bình

Tác giả đưa ra 10 kỹ năng được mọi người đánh giá là cần thiết phải trang bị cho HS THCS, trong đó có 3 kỹ năng được đánh giá cao nhất là kỹ năng giao tiếp ứng xử (75,5%), kỹ năng hợp tác và chia sẻ (64,4%) và kỹ năng quản lý cảm xúc (60,3%).

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)