Theo Quy chế học sinh sinh viên do Bộ GD-ĐT ban hành, đóng học phí là một trong những nghĩa vụ bắt buộc. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sinh viên cố tình chây ì, dẫn tới bị cấm thi, ra trường trễ… trong khi đó, nhà trường dù nỗ lực tìm nhiều cách để giải quyết thấu tình đạt lý nhưng vẫn khó tránh khỏi tai tiếng.
Đóng học phí đúng hạn là nghĩa vụ của người học. Ảnh: T.Hùng
Tình trạng phổ biến
Nhiều sinh viên học hệ trung cấp liên thông lên hệ cao đẳng ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp (khóa 2009-2011) Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM bị cấm thi do chưa hoàn thành việc đóng học phí. Theo các bạn: Thời gian học toàn khóa là 1,5 năm (gồm 3 học kỳ). Tuy nhiên, sau đó nhà trường thông báo lại là chương trình đào tạo có thay đổi và chia làm 4 học kỳ (phải mất 2 năm mới tốt nghiệp).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sinh viên phải chi thêm 4,9 triệu đồng học phí. Và do chưa đóng khoản học phí này nên nhiều sinh viên không được dự thi. Trước đó, ngày 14-11, hàng trăm sinh viên của trường này đã tập trung phản ứng việc bị cấm thi vì chưa đóng học phí. Ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng đối thoại ngay với sinh viên để giải quyết sự việc. Sinh viên viện cớ “do hoàn cảnh khó khăn” còn nhà trường thì giải thích đã ra thông báo và gia hạn thêm thời hạn cho sinh viên.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sinh viên phải chi thêm 4,9 triệu đồng học phí. Và do chưa đóng khoản học phí này nên nhiều sinh viên không được dự thi. Trước đó, ngày 14-11, hàng trăm sinh viên của trường này đã tập trung phản ứng việc bị cấm thi vì chưa đóng học phí. Ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng đối thoại ngay với sinh viên để giải quyết sự việc. Sinh viên viện cớ “do hoàn cảnh khó khăn” còn nhà trường thì giải thích đã ra thông báo và gia hạn thêm thời hạn cho sinh viên.
Thực tế, theo xác minh của chúng tôi, nhiều sinh viên đã đóng học phí cho biết: “Nhà trường có ra thông báo thời hạn đóng học phí, đồng thời kèm theo khuyến cáo sinh viên nào khó khăn thì làm đơn xin kéo dài thời hạn đóng học phí. Tuy nhiên, nhiều bạn không chú ý đến chi tiết này nên mới bị cấm thi”.
Hồi cuối tháng 10 vừa qua, nhiều phụ huynh và sinh viên lớp Cầu đường K50, trường ĐH Giao thông Vận tải Cơ sở 2 (quận 9) tất tả lên ban đào tạo khẩn thiết xin được cho dự thi môn Cơ kết cấu. Tuy nhiên, nhà trường cương quyết không giải quyết.
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện nhà trường cho rằng: Theo quy trình, sinh viên sau khi đóng học phí sẽ được Phòng khảo thí, Ban đào tạo duyệt và công bố danh sách thi. Trong đợt thi này, nhà trường thông báo thời hạn đóng học phí đối với khóa K50 vào ngày 27-9. Kết thúc thời hạn trên sinh viên có lý do chính đáng thì gia đình làm đơn trong vòng 2 tuần (hạn chót là đến ngày 14-10) để nhà trường xem xét giải quyết.
Đôi bên đều khó xử
Tình trạng sinh viên bị cấm thi do chưa hoàn thành đóng học phí ở các trường hiện nay tương đối phổ biến. Nhiều trường có đến hàng trăm sinh viên bị gạt khỏi danh sách thi vì không đóng học phí mà không có lý do. Thậm chí, có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn còn nợ học phí. Ghi nhận từ các trường tại TPHCM cho thấy, trường nào cũng đối diện với tình trạng sinh viên đóng học phí trễ. Nhiều trường thống kê từ phòng tài vụ cho biết có khoảng 15%-30% sinh viên chậm nộp học phí.
Phó hiệu trưởng một trường đại học tại TPHCM chia sẻ: “Đóng học phí là nghĩa vụ phải hoàn thành của sinh viên. Học phí cũng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các hoạt động khác của nhà trường ổn định. Tuy nhiên, nhiều trường cũng đưa ra nhiều cách thu khác nhau: có trường thì thu ngay đầu học kỳ, có trường thì thu cuối học kỳ, cũng có trường chia ra các đợt để gia đình sinh viên thư thả. Chung quy là nhà trường cũng thông cảm cho sinh viên”.
Thế nhưng, theo lời vị phó hiệu trưởng trên, dù có gia hạn và thông báo rõ nhưng vẫn có bộ phận nhỏ sinh viên cá biệt phớt lờ quy định này và bị cấm thi.
Trong khi đó, với những cơ sở đào tạo ngoài công lập, cả guồng máy hoạt động đều trông chờ vào học phí. Tuy nhiên, có trường vẫn thắt lưng buộc bụng chấp nhận cho sinh viên nợ, kéo dài thời hạn nộp học phí. Thế nhưng có trường lại đưa ra cách xử lý thẳng tay như Trường ĐH Bình Dương, Trường CĐ Công nghệ Thông tin ra thông báo phạt lũy tiến 5%-15% đối với những sinh viên nợ học phí tính theo ngày và tháng.
Câu chuyện “đầu tiên” là chuyện tế nhị giữa cơ sở đào tạo với người học. Song, nếu hai bên có sự thống nhất rõ ràng ngay từ đầu thì sẽ không có chuyện người học bức xúc, phản đối còn trường thì khó xử.
Theo Thanh Minh
(SGGP)
Bình luận (0)