Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô sinh viên vượt lên nghịch cảnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiếc xe đạp luôn đồng hành cùng Hoa trên những nẻo đường

Trước khi trở thành sinh viên, Nguyễn Thị Hoa (ngành công tác xã hội, hệ CĐ của Trường ĐH Mở TP.HCM) đã từng làm công nhân giày da ở Thủ Đức. Đó cũng là những tháng ngày cô gái miền Trung này không ngại khó khăn để thỏa ước mơ được vào giảng đường…
Như con ong chăm chỉ
Sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo thuộc xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, tuổi thơ Hoa là chuỗi ngày vất vả. Bố mất do một tai nạn tàu lửa khi Hoa chưa ra đời, mẹ thay bố làm trụ cột gia đình chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của 9 anh chị em. Trong ký ức của Hoa chưa bao giờ phai nhòa hình ảnh mẹ ngày ngày còng lưng đạp xe dưới nắng chở tranh đi bán khắp nơi. Tới mùa lúa, mẹ phải đi gặt thuê, cấy mướn… để kiếm gạo nuôi con. Không có điều kiện, các anh chị của Hoa đều nghỉ học giữa chừng. Riêng Hoa, cố gắng lắm mẹ cũng chỉ nuôi em ăn học đến hết lớp 9. Khi ấy, mẹ Hoa cũng bước sang tuổi 66, lại đau ốm liên miên. Con đường đến trường của cô học trò nhỏ vì thế cũng bị “ngắt ngang” tại đó. Thương mẹ, Hoa gạt nước mắt mang ba lô theo mấy chị đồng hương vào Sài Gòn kiếm sống. Ánh đèn rực rỡ của phố thị không sao làm vơi đi nỗi nhớ nhà của cô bé 15 tuổi trong những ngày đầu đi xa. Cuốn nhật ký trở thành người bạn tâm tình, ghi lại những nỗi buồn niềm vui của cô công nhân nhỏ. Và trong đó, chứa cả nỗi khát khao được cắp sách đến trường như bao bè bạn.
Lương công nhân mỗi tháng của Hoa khi ấy chỉ khoảng 1 triệu đồng. Ngoài việc chi tiêu ăn uống, trả tiền trọ, còn lại Hoa dành dụm mua sách vở. “Mơ ước của em là được đi học” – Hoa xúc động chia sẻ. Hoa đăng ký theo học bổ túc văn hóa tại Trung tâm GDTX quận Thủ Đức. Hằng ngày, sau giờ tan ca, Hoa lại đạp xe đến trường học. Lắm lúc cô học trò nhỏ đến trường với cái bụng đói meo vì chưa kịp ăn cơm. Tối tối, khi mấy chị bạn cùng phòng say giấc nồng thì Hoa lại chong đèn học bài. Phải tranh thủ học khuya vì hầu như thời gian ban ngày em dành cho công việc và đến lớp. Khi thấy Hoa mệt vì làm nhiều mà học cũng căng thẳng, nhất là vào mùa thi, không ít người “bàn ra”, khuyên đừng học nữa. Những lúc ấy, Hoa chỉ cười mà lòng vẫn không ngừng quyết tâm…
Mơ về con đường nhỏ…
Ngày Hoa nhận được giấy báo trúng tuyển vào hệ CĐ của Trường ĐH Mở, niềm vui đến cùng với muôn vàn lo âu. Ngoài giờ học, cô sinh viên này phải chạy sô làm thêm nhiều chỗ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sống ở TP.HCM nhiều năm rồi nhưng Hoa vẫn giữ chất giọng “rặt” miền Trung, không sao thay đổi được. Chính vì vậy mà nhiều nơi đã từ chối nhận em làm gia sư. Thay vào đó, Hoa xin đi phụ bàn tại các nhà hàng ở quận 6 hoặc làm thời vụ. Những ngày giáp Tết, Hoa đi phụ bán hàng tại các khu công nghiệp ngoại thành, tiền công mỗi ngày được 50 ngàn đồng. Mùa hè, em lại đi xếp bao bì cho công ty sản xuất bao bì tại Thủ Đức… “Vướng” công việc làm thêm nhiều như vậy nên suốt 6 năm sống ở thành phố, Hoa chỉ về nhà được đôi lần. Có khi đến 3 năm liền, do điều kiện không cho phép, em chẳng thể nào có được niềm vui khi ngồi trên những chuyến xe trở về thăm nhà vào những dịp lễ tết như bao đứa con tỉnh lẻ khác. Những nỗi nhớ vì thế cứ ngày một chất chồng, đầy thêm trang nhật ký… “Nhiều khi nhớ nhà lắm nhưng em phải cố gắng, chỉ mong học xong trở về quê hương, có được công việc ổn định để chăm sóc mẹ già thật tốt. Mẹ đã hy sinh cả đời cho anh chị em của em rồi” – Hoa trải lòng. Đôi khi Hoa cũng mơ thấy cha, nhưng hình ảnh cha gầy và không giống trong di ảnh được họa từ ảnh chứng minh nhân dân đen trắng. Hoa vẫn ước ao một lần nào đó trong đời được gặp người cha yêu quý nhưng giấc mơ kia sẽ chẳng bao giờ thành sự thật…
Mới đây, Hoa được nhận học bổng “Vượt qua nghịch cảnh” do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM trao tặng. Số tiền 2 triệu đồng từ học bổng này, em sẽ dành mua lại chiếc xe đạp vừa bị mất hồi cuối tháng 4 và khoản còn lại, Hoa dằn túi để trang trải cho kỳ thực tập sắp tới. Con đường Hoa đi lắm gập ghềnh nhưng điểm học tập của em vẫn luôn được xếp vào thứ hạng cao trong lớp. Bạn bè hỏi bí quyết, Hoa chỉ bẽn lẽn cười. Với em, đó chính là kết quả của sự khổ luyện, nỗ lực hết mình suốt một thời gian dài. Bởi bản thân Hoa cũng tâm niệm: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)