Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Viết tiếp ước mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều công nhân phải tạm gác ước mơ học tập của mình để bươn chải mưu sinh nhưng khi có điều kiện, nhiều người đã quyết tâm đi học để có tương lai tốt hơn.
Chiều nào cũng vậy, chuông vừa reo báo hiệu giờ tan ca là công nhân (CN) Trần Thị Phượng (Công ty Ampfield, KCN Tân Bình – TPHCM) lại hối hả chạy về phòng trọ chuẩn bị đi học. “Giờ tan ca chỉ cách giờ học 1 giờ nên nhiều khi tôi phải đi học với cái bụng đói meo vì không kịp ăn uống. Nhưng quen rồi…”- Phượng vui vẻ chia sẻ.
Nỗ lực trong khó khăn
Sinh năm 1989, ở tuổi của Phượng, nhiều bạn bè còn ngồi trên giảng đường vậy mà Phượng đã có tới 7 năm xa quê và phải làm đủ thứ việc để kiếm sống, giúp mẹ nuôi 3 em ăn học. Ba mất sớm, một mình mẹ phải làm lụng nuôi 4 chị em Phượng. Thương mẹ và không muốn các em thất học nên vừa tốt nghiệp cấp 2, Phượng phải nghỉ học, rời Huế vào Đồng Nai đi làm. Cô làm đủ thứ việc từ giúp việc nhà, phụ quán ăn… Đi khắp từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, cuối cùng Phượng vào TPHCM. Bảy năm trôi qua, cô vẫn nung nấu ước mơ được đi học trở lại nhưng không có thời gian, kinh tế lại eo hẹp.
Anh Võ Văn Trung tranh thủ làm bài tập vào ban đêm
Vào làm CN cho Công ty Ampfield, khi thu nhập tạm ổn định và CĐ công ty lại luôn hết lòng giúp đỡ CN, Phượng đã mạnh dạn xin được không tăng ca để đi học. Khi được tạo điều kiện, Phượng vào học kế toán tại Trường Trung cấp Phương Đông. “Do tôi chưa tốt nghiệp THPT nên trước khi học nghề, phải hoàn thành chương trình cấp 3. Tôi đã đi học được hơn một tháng. Dù gặp nhiều khó khăn vì đã nghỉ học lâu quá nhưng tôi nhất định sẽ cố gắng học hành cho bằng bạn bè và có một công việc tốt hơn sau này” – Phượng tâm sự.
Cũng không chấp nhận bỏ hẳn việc học sau 4 năm gián đoạn để đi làm, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (CN Công ty FAPV, Khu Chế xuất Tân Thuận – TPHCM) đã đăng ký đi học tại Trường Trung cấp Tây Nam Á. Chị kể: “Hồi đó tôi thi trượt đại học, không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ già nên tôi rời Bạc Liêu lên TPHCM làm việc. Trước đây, tôi thích làm công an nhưng giờ sức khỏe không cho phép, với lại tôi nghĩ chỉ cần học được một nghề để tương lai tốt hơn là đủ”.
Để theo kịp nghề
“Sau khi được cất nhắc lên làm nhân viên bán hàng, tôi mới nhận ra rằng mình thiếu quá nhiều kiến thức và kỹ năng để có thể phát triển nghề nghiệp nên tôi quyết tâm đi học trở lại” – anh Nguyễn Thanh Tú, nhân viên bán hàng Công ty TNHH Đồng Tâm, huyện Bình Chánh – TPHCM, cho biết. Anh nghỉ học khi mới hết lớp 9 và lên TPHCM lập nghiệp.
Không có bằng cấp, trình độ học vấn thấp nên anh xin vào làm thợ bốc gạch. Cuộc sống tự lập có quá nhiều khó khăn khiến anh quên hẳn việc học hành, chỉ đến khi nỗ lực của mình được công nhận và được đề bạt, anh mới nhận ra mình cần phải có kiến thức mới có thể làm tốt công việc. Vậy là anh đăng ký học ngành quản trị kinh doanh tại Trường Trung cấp Phương Đông. “Lớn tuổi lại nghỉ học hơn 10 năm, lúc mới đi học trở lại, tôi rất khổ sở trong việc tiếp thu kiến thức nên đâm chán nản. Thế nhưng được anh em động viên và với quyết tâm của mình, tôi đã dần theo kịp chương trình và cảm thấy rất tự tin”.
Khi nghỉ học để đi làm CN, anh Võ Văn Trung (thủ kho Công ty Ampfield) chỉ nghĩ rằng sẽ nghỉ một năm để kiếm tiền rồi học tiếp nhưng gánh nặng cơm áo khiến sự gián đoạn kéo dài đến gần 10 năm. Mãi đến khi người em trai tốt nghiệp đại học cách đây một năm, anh mới có cơ hội để học tiếp tại Trường Trung cấp Việt Khoa. Anh cho biết: “Trước đây, tôi chỉ là phụ kho, công việc khuân vác đơn giản nên cũng không cần kiến thức. Đến khi làm thủ kho thì phải lo luôn sổ sách, giấy tờ nên dù khó khăn, tôi cũng ráng đi học để có kiến thức. Đó cũng chính là mơ ước bấy lâu nay của tôi”.
 

Căng thẳng mùa thi

Vừa là CN sản xuất trực tiếp lại là cán bộ Đoàn của Công ty FAPV nên chị Nguyễn Thị Thu Thủy gần như không có thời gian ôn bài. Chị cho biết: “Để không thua kém bạn bè, mỗi khi đến lớp, tôi đều ngồi dãy bàn trên để tập trung tiếp thu bài giảng ngay tại lớp. Tuy vậy, đến ngày thi vẫn thấy căng thẳng. Không chỉ thức đêm học bài, nhiều lúc căng quá, tôi đem luôn sách vở đi làm, tranh thủ những lúc nghỉ trưa để ôn bài. Nhờ vậy mà hơn một năm nay, tôi vẫn luôn theo kịp chương trình học”.
Theo Thanh Nga
(nld)

Bình luận (0)