Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thi tốt nghiệp THPT 2011: Để đạt điểm cao môn toán

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TS không nên học tủ mà phải học dàn trải kiến thức trong SGK. Trong ảnh là cảnh TS ôn bài trước khi bước vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp 2010. Ảnh: T.Q
Toán là một trong ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp bậc THPT. Làm thế nào để đạt được điểm cao ở môn này là một trong những điều mà các thí sinh (TS) đặc biệt quan tâm. Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu ý kiến chia sẻ về cách học, cách làm bài thi… của các giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở bộ môn này.
Thầy Lê Văn Quang (Tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Trần Khai Nguyên):
Không ỷ lại vào máy tính
Đối với môn toán, TS nên bám sát nội dung sách giáo khoa (SGK) vì đề thi ra trải đều cho học sinh bậc THPT nên lượng kiến thức sẽ được lấy ra từ sách. Khi ôn tập, các em nên hệ thống lại kiến thức gồm những phần cần phải học và những phần đã học được, học tất cả các bài có trong SGK. Đồng thời TS cần nắm vững lý thuyết để có thể vận dụng vào bài làm. Môn toán là môn yêu cầu vận dụng kiến thức vào bài làm nên TS cần làm nhiều bài tập, làm từ những bài toán thông thường, cơ bản đến nâng cao. Khi làm bài tập, TS nên tập cho mình thói quen làm cẩn thận từng bước để tránh những sai sót sẽ dẫn đến sai kết quả của cả bài. Đây cũng là một thói quen không những có lợi cho việc làm bài thi tốt nghiệp THPT hay ĐH mà còn các kỳ thi quan trọng sau này của TS.
Thông thường, khi làm bài, TS thường rất hay ỷ lại vào máy tính. Khi đọc bài toán, nhiều TS chưa kịp phân tích kỹ lưỡng đã cầm máy tính lên tính nhẩm trước, thấy kết quả cuối cùng phù hợp với bài của mình thì mới bắt đầu thực hiện các bước làm “tắt”. Chính quá trình đó đã dẫn đến việc TS bỏ qua rất nhiều phép tính cơ bản. Những phép tính này lại là những mấu chốt để giám khảo chấm điểm theo từng bước làm bài của TS. Do đó, dù kết quả cuối cùng có đúng như kết quả đề thi đi chăng nữa, TS cũng không thể đạt điểm đúng như điều vốn dĩ phải có đối với một bài toán.
Thầy Nguyễn Hương Mai (Tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Phú Hòa):
Nên cẩn thận trong từng phép tính
Để đạt điểm cao môn toán, TS nên nắm lại toàn bộ những kiến thức cơ bản. Đây là việc làm rất cần thiết vì một số kiến thức sẽ bị lãng quên sau một thời gian dài không được sử dụng. Thao tác này TS có thể tự mình làm hoặc nhờ giáo viên bộ môn hướng dẫn. Điều quan trọng khi ôn tập môn toán là TS phải làm nhiều bài tập để củng cố kiến thức và biến kiến thức từ lý thuyết tới thực hành. Đề thi trong những năm gần đây thường chú trọng việc vận dụng kỹ năng thực hành lý thuyết vào bài làm nên sẽ bao quát được nhiều kiến thức trong đề thi. Chính vì thế, TS không nên học “tủ” phần nào mà phải học dàn trải kiến thức tất cả các chương, bài học trong SGK.
Một lỗi cơ bản mà bất cứ học sinh yếu hay học sinh khá giỏi đều mắc phải, đó là còn “ẩu” trong khâu nhận định đề và tính toán. Nhiều khi, bài toán ra trong đề thi không hề khó và các em đã làm rất nhiều lần trong quá trình ôn tập. Chính vì đã “quen mặt” nên nhiều TS khi đọc lướt qua đề đã vội vàng cầm bút lên làm ngay mà quên mất rằng, đề thi cũng có sự “biến dạng”. Không ít TS làm bài rất “ngon lành”, vội vã nộp bài và ung dung ra khỏi phòng thi. Chỉ đến khi nhìn lại đề hoặc tranh luận với bạn mới phát hiện những lỗi sai không đáng có. “Ẩu” ở đây được xuất phát từ việc các em đọc vội, hiểu nhầm một số giả thiết trong đề thi. Sau đó các em đặt bút vào làm ngay theo sự định hình cách làm bài từ sự hiểu nhầm đó. Thói quen thông thường TS chỉ dò lại kết quả bài làm với quá trình tính toán của mình chứ ít ai thực hiện thao tác dò lại đề thi. Ngoài ra, một lỗi sai rất phổ biến nữa đó là làm sai phép tính mà phần lớn lại là những phép tính dễ, đã được TS làm rất nhiều lần ở trên lớp, nghĩa là TS sai những cái đã biết rồi.
Để khắc phục những lỗi sai “ngớ ngẩn” đó, TS nên tập cho mình tính cẩn thận, đọc kỹ giả thiết, bình tĩnh nhận định cách làm bài. Trong mỗi phép tính toán, lời giải ghi ra phải đi kèm với sự kiểm tra ngay trong quá trình làm bài. Nếu còn thời gian, TS nên lấy kết quả thử lại, kiểm tra tính hợp lý giữa đề thi với bài làm của mình.
Ngọc Anh (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)