Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ẩn họa từ các cơ sở hóa chất

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, TPHCM có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, pha chế dung môi – hóa chất hoạt động, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất bất chấp các quy định về an toàn cháy nổ. Cùng với đó, tình trạng mua bán chui các loại hóa chất công nghiệp vẫn diễn ra tràn lan, góp phần đẩy nguy cơ cháy nổ từ hóa chất lên mức báo động.

Chưa nổ chưa lo!

3 ngày sau khi vụ nổ kinh hoàng ở Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đặng Huỳnh xảy ra, hoạt động mua bán các loại dung môi hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5) và khu vực quanh chợ bỗng dưng ảm đạm hơn. Lý giải việc này, ông N. thành viên tổ xe ôm cạnh chợ, nói: “Vắng khách là do lượng khách đến mua chui các loại hóa chất công nghiệp, nông nghiệp ở đây giảm hẳn. Vì họ đọc báo, xem ti vi thấy ông Hải (chủ công ty vừa bị nổ) khai với công an là mua hóa chất ở đây nên dè dặt, vài bữa nữa lại đông thôi”. Ông N. cho biết mình làm nghề xe ôm nhưng chở hóa chất cho các cửa hàng gần chợ là chủ yếu nên biết rõ, không chỉ mua bán chui các loại hóa chất công nghiệp không rõ nguồn gốc, hầu hết các cửa hàng đều không trang bị thiết bị báo cháy, chữa cháy.

Đến các cở sở kinh doanh hóa chất ở khu vực phía ngoài chợ, điều nguy hiểm đầu tiên chúng tôi nhận thấy ở đây là cửa hàng đồng thời cũng là nhà ở của gia đình chủ cơ sở.

Sau vụ nổ tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12, TPHCM) vẫn còn rất nhiều thùng hóa chất.

Ở cơ sở M.H trên đường Kim Biên, bên trong tồn trữ rất nhiều chất phụ gia, hóa chất với đủ các thể loại rắn, lỏng nhưng chỉ trang bị mỗi một bình chữa cháy mini gỉ sét, lại đặt ở trong nhà, xa vị trí nhân viên cửa hàng đứng bán. Ở các cơ sở kinh doanh hóa chất quanh chợ Kim Biên là vậy, bên trong chợ, các sạp mua bán hóa chất cũng tồn tại nhiều nguy cơ cháy nổ không kém. Sạp hàng hóa chất N.K trên đường Kim Biên sáng 21-10 đông khách đến giao dịch, trong lúc giới thiệu các chất phụ gia, hoá chất cho khách, ông chủ sạp liên tục bật lửa, phì phèo thuốc lá. Khi được hỏi hút thuốc trong sạp có sợ cháy, bị quản lý chợ phạt, ông này bĩu môi: “Tôi hút hoài, có thấy ai phạt đâu. Bảo vệ chợ còn đứng trong chợ hút nữa là,…”.

Những “công ty thần chết”

Theo Sở Công thương TPHCM, TP hiện có gần 640 cơ sở kinh doanh – sản xuất hóa chất, trong đó có khoảng 400 cơ sở kinh doanh – sản xuất hóa chất công nghiệp, 130 cơ sở kinh doanh hóa chất ngành y tế, còn lại là hóa chất nông nghiệp. Đáng nói là số lượng cơ sở sản xuất – kinh doanh hóa chất hoạt động xen lẫn trong các khu dân cư còn rất nhiều và hầu hết các cơ sở này điều vi phạm các quy định về an toàn PCCC.

Tại các quận 5, 8 và Bình Tân, qua kiểm tra 174 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến hóa chất từ đầu năm 2014 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC các quận này đã phát hiện, xử phạt 59 cơ sở vi phạm. Đặc biệt các cơ sở vi phạm đều phạm phải những lỗi nghiêm trọng như: Không lắp đặt thiết bị báo cháy và chữa cháy tự động; không có phương án thẩm duyệt PCCC; để hóa chất gần nguồn nhiệt, nguồn lửa; để các hóa chất dễ phản ứng gây nổ gần nhau; chất hàng hóa bít lối thoát hiểm… Đã vậy, một số cơ sở như Công ty TNHH Trần Hớn (phường An Lạc), Công ty TNHH Tân Hiệp Lợi (phường Tân Tạo A), Cơ sở Trường Phát (phường Bình Hưng Hòa còn tái phạm các lỗi trên nhiều lần như thách thách cơ quan chức năng.

Theo Đại úy Lê Hoàng Phúc, Phó Đội trưởng Đội kiểm tra an toàn PCCC – Phòng Cảnh sát PCCC Bình Tân, công tác quản lý nhà nước về PCCC là nhiệm vụ của Cảnh sát PCCC nhưng không có nghĩa là chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương không có trách nhiệm. Sở dĩ các cơ sở sản xuất – kinh doanh – pha chế hóa chất vi phạm còn nhiều hiện nay là do lãnh đạo địa phương, cảnh sát khu vực ở địa bàn, ban quản lý ở chợ, khu công nghiệp đó vẫn chưa phối hợp chặt chẽ, chưa quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý. Hiện nay, ở mỗi phường, Cảnh sát PCCC chỉ có một cán bộ địa bàn phụ trách, một số nơi một cán bộ phải phụ trách nhiều phường không thể giám sát được toàn bộ các vi phạm của các công ty hóa chất.

Trong khi đó, lãnh đạo một phường ở quận 5 kiến nghị, đơn vị cấp phép (Sở KHĐT TP, Phòng Kinh tế các quận huyện) cần phải yêu cầu cơ sở kinh doanh mặt hàng trên cung cấp phương án thẩm duyệt PCCC của đơn vị có thẩm quyền. Khi không đủ điều kiện, cương quyết không cấp. Đa số các cơ sở sản xuất – kinh doanh hóa chất trong khu dân cư đều có thời gian hoạt động trước khi Luật PCCC ra đời, lại thay trụ sở, đổi mặt bằng thuê mướn liên tục nên thường không có phương án thẩm duyệt PCCC. Các địa phương cần rà soát và phối hợp với Cảnh sát PCCC để có phương án hợp lý, hiệu quả. Một số bà con sống quanh chợ Kim Biên kiến nghị: UBND TPHCM và UBND quận 5 sớm giải tỏa chợ Kim Biên vì dự án đã có lâu nhưng tiến độ đến nay chưa tới đâu. Khi chợ Kim Biên chưa được giải tỏa thì người dân luôn sống trong lo sợ.

Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, ngay sau khi vụ nổ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đặng Huỳnh xảy ra, đơn vị này đã chỉ đạo các Phòng Cảnh sát PCCC quận huyện tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề đối với các cơ sở sản xuất – kinh doanh – tồn trữ – pha chế hóa chất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra cháy nổ. Việc cấp phép cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, pha chế hóa chất phải đặc biệt lưu ý đến những người trực tiếp tiếp xúc, thao tác trên hóa chất để tránh xảy ra tai nạn thương tâm. Riêng với chợ Kim Biên, ngoài việc tăng cường cán bộ địa bàn theo dõi sát sao hoạt động của các cơ sở kinh doanh hóa chất ở đây, hiện nay cảnh sát PCCC đang xây dựng kế hoạch phối hợp cùng UBND quận 5, các đơn vị liên quan và hơn 500 tiểu thương tại chợ để nâng cao khả năng ứng phó, di chuyển, xử lý hóa chất khi có cháy nổ xảy ra.

TUẤN VŨ

(SGGP)

Bình luận (0)