Người dân bản Kreng đã biết áp dụng kỹ thuật vào trồng lúa
|
Ngược thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) hơn một giờ đồng hồ lên quốc lộ 9, rồi từ đó đi thêm 6km về phía Bắc với những cú dằn xóc nảy người trên đoạn đường đất sỏi gần như là độc đạo, bản Kreng (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị) đón chúng tôi với những nụ cười, cái bắt tay thật chặt của bà con Vân Kiều, xua tan sự mỏi mệt của nắng, gió tháng 3.
“Lâu lắm rồi mới lại đón khách lên với bản làng, bà con vui cái bụng lắm”, già làng HồVăn Nhĩa ra tận đầu bản đón chúng tôi, phấn khởi nói.
Bản đã bớt nghèo
Bảng Kreng nằm về phía Bắc quốc lộ 9 với địa hình khá hiểm trở. Trong hai cuộc trường chinh cứu nước, mảnh đất nằm dọc dãy Trường Sơn này chứa trong mình bao nhiêu câu chuyện huyền thoại hào hùng, gắn với từng kỉ niệm sâu sắc của đồng bào Vân Kiều với cách mạng. Già làng Hồ Văn Nhĩa nói rằng, cái ân tình ấy thấm sâu vào máu thịt đồng bào, bởi thế sau ngày quê hương im tiếng súng, dù là vùng đất có địa thế khó khăn nhưng bà con Vân Kiều vẫn trở về đây cùng nhau dựng nhà cửa, khai hoang ruộng, rẫy, xây dựng bản làng. “Người dân bản Kreng bây giờ ốm đau đã có trạm y tế. Nhà cửa tạm bợ dần được thay thế bằng những mái nhà kiên cố nên không còn lo cái lụt, cái bão nó cuốn trôi… Đời sống đổi thay như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”, già làng Hồ Văn Nhĩa phấn khởi.
Dẫn chúng tôi đi một vòng qua những dãy ruộng lúa xanh ngút tầm mắt, anh Hồ Văn Thạch, Trưởng bản Kreng, cho biết: “Con kênh thủy lợi này được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng từ năm 2009. Từ ngày có kênh mương dẫn nước, hơn 30ha lúa được tưới tiêu. Cuộc sống nhờ đó tạm no đủ hơn thời gian trước. Cộng thêm với 40ha sắn, thu nhập của nhiều hộ dân đã khấm khá hơn nhiều. Số hộ nghèo giảm từ 50% xuống còn chưa tới 30% trong số 115 hộ dân. Ý thức về vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế hộ gia đình của bà con đã nâng lên rõ rệt”. Mừng nhất là cả bản có hơn 300ha rừng trồng; hơn 250 con trâu, bò; hơn 30 hộ dân có kinh tế khá… Thành quả ấy một phần nhờ vào sự đi đầu làm gương của những lớp người như già làng Hồ Văn Nhĩa, ông Hồ Văn Lăng (75 tuổi) – nguyên Phó chủ tịch xã Hướng Hiệp.
Sự mệt nhọc của chúng tôi sau cả buổi cuốc bộ từ đầu đến cuối thôn giữa cái nắng 380C dường như vơi đi sau những câu hỏi thăm ân cần và nụ cười hiền hậu của bà con Vân Kiều đang lúi húi trên đồng ruộng. Anh Thạch chia sẻ, 5 năm trở lại đây, có hơn 20 gia đình trong bản được hỗ trợ xây nhà theo diện 167 của Chính phủ, cộng thêm tình hình kinh tế khấm khá nhờ vào những ruộng sắn nên số nhà tạm bợ được xóa gần hết. Thậm chí có nhiều nhà xây lên hai gác khang trang. Nguy cơ lụt bão cuốn trôi nhà bị đẩy lùi, bà con yên tâm sản xuất theo mô hình kinh tế mới ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Vượt khó tới trường
Cả bản đều biết và học theo gương bà Hồ Thị Nam: Có 4 đứa con là học sinh tiên tiến
|
Dù cách quốc lộ 9 chỉ tầm 6km nhưng với những ai đã từng đi qua đây một lần vào mùa đông, hẳn đó là kỉ niệm để đời. Đường đất xẻ lối rừng toàn sỏi đá, lên xuống gập ghềnh, bùn lầy trơn trượt. “Trước đây, hễ học trò hết cấp 1 là nghỉ ở nhà vì đường sá khó đi. Bây giờ bà con tiến bộ hơn, nhiều người đưa con ra thị trấn thuê nhà trọ học, số còn lại sắm xe đạp tới lớp. Học trò ở đây từ cấp 2 trở lên phải đi học xa từ 6 đến 10km. Mùa nắng còn đỡ, mùa đông là từ 3 giờ sáng đã phải trở dậy để tới trường”, anh Thạch nói.
“Vất vả thế tình trạng bỏ học có nhiều không?” – chúng tôi hỏi. Anh Thạch trả lời: “Cũng có nhưng không nhiều. Nhà trường ngoài việc liên kết với phụ huynh còn làm cầu nối với ban ngành ở địa phương. Vì thế, hễ có trường hợp bỏ học là chúng tôi đến tận nhà vận động, thậm chí thấy xe các cháu hư hỏng thì chúng tôi xắn tay áo lên sửa lại. Cả bản ai cũng biết đến nhà bà Hồ Thị Nam. Nhà có 5 đứa con thì có đến 4 đứa đang đi học và đều là học sinh tiên tiến. Cứ đến 3 giờ sáng là bà đánh thức các con dậy, đứa học gần nhà thì được dậy muộn hơn một tí. 4 đứa đều còi cọc, đen nhẻm nhưng bà động viên các con cố học cho tròn đầy cái chữ, mai này sẽ bớt vất vả hơn”…
Trong câu chuyện dài về những tấm gương vượt khó tới trường, già làng Hồ Văn Nhĩa bấm đốt ngón tay nói: Bản này các cháu học đại học thì còn lẻ tẻ nhưng số trung cấp và cao đẳng nghề thì gần như đều mặt. Các cháu đi học nghề rồi lại quay về phục vụ bà con trong bản.
Ông Hồ Văn Lăng, một người lính thuộc Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn đã nghỉ hưu, bộc bạch: “Ngày xưa đồng bào miền ngược và miền xuôi chung nhau đánh giặc, chia nhau hạt muối, nhường nhau củ sắn. Bây giờ, thời buổi phát triển kinh tế, người miền ngược với miền xuôi gắn bó với nhau bằng sự sẻ chia cách thức làm giàu, tiếp cận với sự phát triển của khoa học, miềng ước được trở lại thời trai trẻ để cùng bà con làm giàu quá”.
Rời thôn Kreng lúc mặt trời gác trên đỉnh núi. Trên con đường trở về thành phố Đông Hà, chúng tôi nhớ mãi lời bà Hồ Thị Nam: “Bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn rồi, có cả sóng điện thoại nữa. Đầu năm học tôi xin cô giáo số điện thoại rồi ghi lên cột nhà cho dễ nhớ, hàng ngày sau khi con đi học hoặc đi học về muộn là tôi lại alô cho cô giáo để biết tình hình học hành của các con!”.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên – Thiên Phúc
“Nhờ các cấp hội truyền đạt kinh nghiệm sản xuất mà gia đình tôi bây giờ trồng được 5 sào lúa nước và 2ha sắn. Hiện giờ kinh tế đã khá hơn xưa rồi, không chỉ xây được cái nhà khang trang mà còn nuôi 4 đứa con đi học chữ nữa”, bà Hồ Thị Nam, một người dân trong bản, nói. |
Bình luận (0)